Nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước để hạn chế việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thì Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định trách nhiệm phân loại chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thành các loại: nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; nhóm chất thải rắn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
Về phía người dân, phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Về phía nhà sản xuất, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, để định hình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đây là một cách tiếp cận trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. Theo đó, quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm cả việc thu gom, tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (chuẩn bị cho) tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng.
Quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có quy định, tuy nhiên không thực hiện được. Hiện trạng cho thấy, những năm qua, gần như không có nhà sản xuất nào tự nguyện thu hồi sản phẩm khi hết vòng đời. Người tiêu dùng vứt các loại rác thải kể cả rác thải nguy hại vào chung với rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên.
Cần thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Luật cũng quy định rõ hơn đối với các sản phẩm dán nhãn sinh thái thân thiện với môi trường, trong đó có sản phẩm tái chế và đưa ra các quy định liên quan đến mua sắm xanh, ưu tiên ngân sách Nhà nước mua các sản phẩm thân thiện môi trường, các sản phẩm tái chế…
Luật cũng quy định riêng điều 73 về "Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương” với các nội dung chủ yếu:
- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
- Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.
- Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
- Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.
- Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái.
- Chính phủ quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
PGS.TS ĐỖ VĂN MẠNH
Phó Viện trưởng - Viện Công nghệ môi trường
Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam