Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các chuyên gia cùng nhau thảo luận về: tính khả thi của các nội dung dự thảo Nghị định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, đặc biệt là lộ trình và giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia, phát triển và vận hành thị trường các-bon, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định.
Tầng ozone bảo vệ trái đất khỏi các yếu tố gây hại từ bên ngoài
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn các chuyên gia cho thêm ý kiến về trách nhiệm của các Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quy định trong dự thảo Nghị định, thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, Thỏa thuận Paris, các điều ước mà Việt Nam tham gia là thành viên.
Cuộc họp cũng bàn và trao đổi về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp được nêu trong dự thảo Nghị định, thực hiện và quản lý các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đặc biệt là công tác kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, triển khai thí điểm và tiến tới thời điểm vận hành thị trường các-bon, quản lý hiệu quả các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; đặc biệt là huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế cũng như sự hỗ trợ tham gia các quốc gia, các tổ chức quốc tế cho các hoạt động nêu trên.
Ô nhiễm không khí khiến tầng ozone bị phá hủy
Theo điều 96, Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14 được Quốc hội Khóa 14 thông qua ngày 17/11/2020, sẽ có hiệu lực từ 01/01/2022 quy định thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn, cụ thể:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:
a) Là đầu mối tổ chức thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Tổ chức xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, Báo cáo minh bạch 02 năm một lần và các báo cáo quốc gia khác về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
c) Xây dựng cơ chế, chính sách huy động và quản lý nguồn lực để thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tham gia triển khai thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ