Người dân bỏ rác đã phân loại vào thùng ở chợ Biên Hòa. Ảnh: H.LỘC/Báo Đồng Nai
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, các đơn vị thu gom chất thải, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí… tiếp tục thực hiện các biện pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Chỉ thị số 54-CT/TU của Ban thường vụ tỉnh ủy.
Cụ thể, các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2021-2025 và từng năm. Duy trì và mở rộng phạm vi thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn các huyện, thành phố. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân.
Công văn ghi rõ, các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải phải trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị đảm bảo thu gom, vận chuyển riêng 2 loại chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại đến các điểm, trạm trung chuyển và khu xử lý. Đầu tư các hạng mục công trình tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, góp phần giảm thiểu chất thải rắn chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo tỷ lệ chất thải trơ được chôn lấp dưới 15%.
Trước đó trong báo cáo đầu năm, Sở TN&MT Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh đã thu gom, xử lý triệt để khoảng 2,6 tấn/ngày đối với chất thải y tế nguy hại và khoảng 11,3 tấn/ngày đối với chất thải y tế thông thường; khoảng 1.117 tấn/ngày chất thải công nghiệp thông thường được thu gom tái chế hoặc xử lý bởi các đơn vị có chức năng, được cấp phép; không còn tình trạng lưu trữ chất thải nguy hại tại nguồn, khoảng 451 tấn/ngày được thu gom, xử lý. Riêng với chất thải rắn sinh hoạt, tổng khối lượng thu gom khoảng 1.833 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 100%, trong đó hơn 70% được xử lý làm phân vi sinh, hơn 14% chôn lấp, còn lại đốt.
Việc phân loại rác tại nguồn đang được Tỉnh Đồng Nai thực hiện rất nghiêm túc. Ngay từ cuối năm 2020, Thành ủy TP. Biên Hòa đã ban hành chỉ thị, UBND thành phố ban hành kế hoạch về tiếp tục phân loại rác tại nguồn. Kế hoạch đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, 80% cá nhân và hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn và cuối năm 2022, 100% rác sinh hoạt được phân loại tại nguồn.
Để thực hiện mục tiêu, TP. Biên Hòa ngoài tăng cường tuyên truyền đến các hộ gia đình, cá nhân thông qua: loa truyền thanh, xe lưu động, pa-nô, còn gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn yêu cầu thực hiện phân loại rác. Thành phố cũng lập 2 tổ công tác liên ngành, đồng thời yêu cầu 30 phường, xã thành lập mỗi đơn vị một tổ chuyên đi xử lý các trường hợp bỏ rác không đúng nơi quy định.
Theo chia sẻ của Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc: "Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ liên tục đi kiểm tra việc thực hiện phân loại rác tại các hộ gia đình, các cơ quan của thành phố; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thành phố. Các trường hợp không thực hiện phân loại rác sẽ bị nhắc nhở, nêu tên công khai lên phương tiện truyền thông. Sang năm 2022, nếu các tổ chức, cá nhân vẫn cố tình không thực hiện, chúng tôi sẽ có chế tài mạnh hơn đó là yêu cầu đơn vị thu gom không thu gom rác chưa phân loại”.
TÚ ANH (tổng hợp)