Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu:
1. Đối với chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm
- Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố phổ biến, hướng dẫn các cơ sở y tế, Bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung,… thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải y tế phát sinh tại cơ sở, địa phương theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Yêu cầu các cơ sở y tế, Bệnh viện dã chiến, đơn vị quản lý các khu cách ly tập trung chủ động liên hệ, trực tiếp ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình (là cơ sở đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có năng lực, chức năng xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại) để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh trong ngày.
- UBND các huyện, thành phố (đang thuộc diện bị phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội) chỉ đạo UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về việc thu gom, phân loại, quản lý chất thải, vệ sinh môi trường, khử khuẩn đối với các khu vực cách ly y tế, nơi lưu trú, điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19; trực tiếp ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình để thực hiện việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh trên địa bàn.
2. Đối với nước thải y tế
- Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện (Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng thực hiện tiếp nhận, xử lý nước thải y tế phát sinh từ các Bệnh viện dã chiến của tỉnh trong phạm vi công suất hoạt động của Trạm xử lý theo thiết kế và đảm bảo nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải y tế trước khi xả thải ra ngoài môi trường.
- UBND thành phố Bắc Giang chỉ đạo Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang hàng ngày bố trí xe bồn chuyên dụng vận chuyển nước thải phát sinh từ cơ sở y tế, Bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận về Trạm xử lý nước thải của các Bệnh viện, Trung tâm Y tế nêu trên để xử lý theo quy định.
- Yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành Bệnh viện dã chiến phải thực hiện nghiêm túc việc xử lý và khử trùng nước thải y tế (bằng Clorin viên nén nồng độ 90%) trước khi chuyển giao cho đơn vị tiếp nhận để vận chuyển đi xử lý theo quy định; chủ động liên hệ, ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình để vận chuyển, xử lý nước thải y tế phát sinh từ cơ sở, đơn vị trong trường hợp Trạm xử lý nước thải y tế của các Bệnh viện trên và Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng không còn khả năng tiếp nhận.
3. Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố bố trí, đảm bảo kinh phí cho các cơ sở y tế, Bệnh viện dã chiến thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường và khử trùng, khử khuẩn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật./.
Minh Phan