Cung cấp thông tin, số liệu xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/5/2021 | 3:02:40 PM

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 2316/BTNMT -TNN gửi Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cung cấp thông tin, số liệu xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Theo Công văn, tại Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành xây dựng Đề án Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.


Bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất về thông tin, số liệu về tài nguyên nước

Thực hiện nhiệm vụ được giao theo Chương trình công tác năm 2021 của Chính phủ, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương tổ chức xây dựng "Đề án Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia” theo hướng quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước.

Để bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất về thông tin, số liệu; xác định tổng thể các vấn đề về hiện trạng; những tồn tại, khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp tổng hợp, toàn diện mang tính khả thi cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị các Bộ phối hợp cung cấp thông tin, số liệu cũng như có những đề xuất kiến nghị cụ thể.

Một là, thông tin, số liệu tổng hợp về thực trạng, nhu cầu và định hướng đến năm 2030 trong khai thác, sử dụng nước; cấp, thoát, xử lý nước thải… trong lĩnh vực quý Bộ quản lý.

Hai là, khó khăn, tồn tại, thách thức trong việc khai thác, sử dụng nước, liên quan đến an ninh nguồn nước trong lĩnh vực quý Bộ quản lý (bao gồm cả thể chế, chính sách nếu có).

Ba là, đề xuất giải pháp về chính sách, nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án lớn để giải quyết những khó khăn, thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước trong lĩnh vực quý Bộ quản lý.

Văn bản cung cấp các nội dung nêu trên gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Quản lý tài nguyên nước - số 10 Tôn Thất Thuyết, Nam Từ Liêm, Hà Nội, email: cqltnn@monre.gov.vn) trước ngày 31/5/2021.

Theo đánh giá của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), tiềm năng tài nguyên nước Việt Nam khoảng 830 - 840 tỷ m3, tuy vậy, an ninh nguồn nước ở nước ta đang đứng trước nguy cơ không được đảm bảo do phụ thuộc nguồn nước từ nước ngoài chảy vào (60%); dòng chảy phân bố không đều không gian, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Cửu Long (khoảng 57%), sông Hồng - Thái Bình (16%), còn lại phân bố ở các lưu vực sông khác; dòng chảy mùa cạn chiếm từ 10 đến 15%; nguồn nước mặt còn chịu tác động từ khai thác, sử dụng ở thượng nguồn bên ngoài biên giới, chịu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm gia tăng.

Cùng với đó, nguồn nước dưới đất tiềm năng khoảng 63 tỷ m3. Nguồn nước hiện đang được khai thác phục vụ phát triển kinh tế xã hội khoảng 84 tỷ m3/năm, nhu cầu dùng nước ở nước ta tăng 32% (khoảng 111 tỷ m3/năm) vào năm 2030 và nguy cơ mất đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng gia tăng nếu không kịp thời có đánh giá và các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

Chính vì vậy, việc xây dựng "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia” rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để từng bước nâng cao sự bảo đảm an ninh nguồn nước cho các trụ cột an ninh nguồn nước an ninh nguồn nước hộ gia đình (nông thôn); an ninh nguồn nước đô thị; an ninh nước cho môi trường; ứng phó với các rủi ro (hạn hán thiếu nước, lũ lụt); an ninh nước cho ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng...) thông qua các hoạt động chủ yếu về hoàn thiện, bổ sung thể chế, chính sách; quản trị ngành nước; các biện pháp công trình, phi công trình cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể và hướng tới chỉ số an ninh nguồn nước tổng hợp đạt 3/5 vào năm 2030 và cao hơn nữa vào năm 2040.

Theo Phương Anh/Báo TN&MT

Tags Bộ Tài nguyên và Môi trường Công văn số 2316/BTNMT -TNN Bộ Xây dựng Bộ Công Thương Bộ Giao thông vận tải Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch an ninh nguồn nước

Các tin khác

Quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo QCVN 78:2023 là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Ngày 12/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 94/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc.

Cuốn Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) biên soạn nhằm cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản nhất về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục