Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng vừa ký Quyết định số 348/QĐ-BXD công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng trong quá trình thực hiện. Quyết định này thay thế Quyết định số 1057/QĐ-BXD ngày 11/10/2017 về công bố hướng dẫn tạm thời áp dụng Mô hình thông tin công trình trong giai đoạn thí điểm.
Công trình cầu Hoàng Văn Thụ, thành phố Hải Phòng là một trong những công trình được triển khai áp dụng BIM.
Đây là bước đầu hoàn chỉnh về công cụ trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Hướng dẫn đã cung cấp những nguyên tắc và nội dung cơ bản nhất để triển khai áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, cũng là pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo khi triển khai áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng công trình.
Kết cấu Hướng dẫn được chia thành 03 phần, 04 Phụ lục đưa ra chi tiết, cụ thể tiến trình tổng quát triển khai áp dụng BIM. Phân tích các chủ thể tham gia quá trình áp dụng BIM trong dự án và phương pháp lựa chọn nội dung phù hợp với từng dự án khác nhau...
Trước đó, để triển khai áp dụng BIM trong lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2500/QĐ- TTg ngày 22/12/2016 phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình với quan điểm nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các chủ thể liên quan áp dụng BIM, thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguồn nhân lực trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Theo Đề án BIM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2017 – 2019, tập trung nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng BIM; xây dựng hành lang pháp lý và hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan để áp dụng BIM; xây dựng các hướng dẫn về BIM; xây dựng các chương trình khung đào tạo kiến thức về BIM và nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên môn.
Từ 2018 – 2020 là giai đoạn triển khai và đánh giá mô hình BIM trong các dự án thí điểm; Cung cấp những hướng dẫn cần thiết cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các công ty tư vấn, nhà thầu xây dựng, giúp họ vượt qua những khó khăn thách thức trong quá trình áp dụng BIM; Giám sát và đánh giá công tác áp dụng thí điểm để hỗ trợ xây dựng hướng dẫn BIM chính thức.
Từ năm 2021 trở đi, trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành Hướng dẫn cụ thể áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Mô hình thông tin công trình - BIM là một công nghệ mới, được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số, đang được triển khai và áp dụng rộng rãi trong ngành xây dựng ở nhiều quốc gia. BIM được xem là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của ngành Xây dựng Việt Nam.
Theo Hà Khánh/ Báo Xây Dựng