Đề dẫn
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về tăng cường bảo vệ môi trường, cải cách thể chế môi trường của nước ta hướng tới tiệm cận hài hòa với chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường của thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bảo đảm được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục sự phân tán, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cam kết quốc tế, trách nhiệm được quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Xuất phát từ tầm quan trọng và ý nghĩa nên trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành với nhiều điểm mới có tính đột phá so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
1. Về hình thức và kỹ thuật lập pháp
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều, được bố cục lại so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (20 chương, 170 điều). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung 04 luật có liên quan đến bảo vệ môi trường. Cụ thể, tại Điều 169 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:
1. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14 và Luật số 35/2018/QH14 như sau:
a) Bãi bỏ Điều 37 và điểm đ khoản 1 Điều 38;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 như sau:
"1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước.
Việc cấp giấy phép môi trường trong đó có nội dung xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.”.
2. Bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 44 và Điều 58 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 59/2020/QH14.
3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 30 như sau:
"g) Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động xã hội; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 31 như sau:
"6. Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động xã hội; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xác định sơ bộ hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội;”.
4. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Mục IX - Phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc Phụ lục số 01 - Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2017/QH14 và Luật số 23/2018/QH14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm 1.4 như sau:
b) Bổ sung điểm 1.6 vào sau điểm 1.5 như sau:
c) Bãi bỏ điểm 5.4, điểm 6.3 và tiểu mục 9.
Hình minh hoạ. Nguồn internet
2. Một số điểm mới mang tính đột phá về nội dung
Thứ nhất, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, vì vậy chưa đẩy mạnh, phát huy được vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tiêu biểu nhất là thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc thu thập, cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường; tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung "cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) nhằm khẳng định vị trí, vai trò, quy định quyền và nghĩa vụ của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác bảo vệ môi trường (Điều 159).
Thứ hai, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung các quy định nhằm tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, qua đó giúp cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động bảo vệ môi trường thông qua công nghệ thông tin, tương tác các thiết bị ứng dụng thông minh (Điều 115, Điều 116, Khoản 5 Điều 159). Vấn đề công khai thông tin đã được quy định xuyên suốt, thống nhất trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo các nội dung cụ thể về bảo vệ môi trường, cùng với một khoản riêng quy định việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải được công khai, minh bạch (Khoản 4 Điều 4); quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường không khí (Điều 14), chất lượng môi trường đất (Điều 19), chất thải nguy hại (Khoản 7 Điều 85), kết quả quan trắc chất thải (Khoản 4 Điều 113); chủ trương của Nhà nước là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường; trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường (Khoản 3 Điều 114).
Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (Điều 129). Việc công bố, công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan thẩm định, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi được phê duyệt kết quả thẩm định của chủ dự án, nội dung báo cáo đề xuất cấp giải phóng mặt bằng, trừ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật để lấy ý kiến của các bên liên quan cũng đã được quy định cụ thể trong Luật. Hình thức công khai được thực hiện thông qua cổng thông tin của cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin; giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung và việc quản lý thông tin về môi trường; trình tự, thủ tục, thời điểm và hình thức cung cấp, công khai thông tin về môi trường.
Ngoài ra, lần đầu tiên, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư, được quy định ngay từ khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 33), trong đó quy định rõ trách nhiệm thực hiện tham vấn, đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn chủ yếu, hình thức tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường; kết quả tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giải phóng mặt bằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trong việc tham vấn ý kiến các bên có liên quan.
Thứ ba, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải (Khoản 4 Điều 4); các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên (Khoản 5 Điều 4). Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và cũng, hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (Khoản 9 Điều 5).
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường (Khoản 10 Điều 5); sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, tác động đến các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch đến thực hiện dự án đầu tư. Theo đó dự án đầu tư được phân thành 04 nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp.
Thứ tư, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước.
Nội dung sức khỏe môi trường tuy không có quy định riêng nhưng đã được lồng ghép trong toàn bộ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thông qua việc bảo vệ các thành phần môi trường, qua đó bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung nội dung quản lý các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đánh giá mối quan hệ giữa sức khỏe môi trường với sức khỏe con người, đặc biệt là mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với các loại bệnh dịch mới.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định việc lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt (Điều 9), môi trường không khí (Điều 13) nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ các thành phần môi trường; đồng thời quy định về tiêu chí và phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất (Điều 16), quy định nội dung về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất (Điều 18). Đồng thời, tại khoản 3 Điều 14 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Không chỉ được quy định ở các nội dung về bảo vệ chất lượng môi trường không khí, đất, nước, việc bảo vệ các thành phần môi trường này còn được thể hiện tại nhiều nội dung có liên quan trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như các nội dung về quản lý nước thải (Điều 86 và Điều 87), quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác (Điều 88 và Điều 89) cũng như các nội dung về quản lý chất thải rắn (sẽ góp phần giảm tác động đến môi trường đất, nước và không khí), quan trắc các thành phần môi trường,...
Thứ năm, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh ở nước ta.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay (Điều 79). Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 03 loại (Điều 75): chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra một số quy định như: (i) Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024 (Khoản 7 Điều 79); (ii) Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (Khoản 2 Điều 77); (iii) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân (Khoản 7 Điều 75); (iv) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định (Khoản 7 Điều 76). Ngoài ra, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn sau khi phân loại được khuyến khích tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi để phù hợp với điều kiện nông thôn tại Việt Nam (Điểm a, Khoản 4 Điều 75).
Nhằm hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước để hạn chế việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, ngoài quy định trách nhiệm phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 phân loại thành các loại: nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; nhóm chất thải rắn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu (Điều 54, Điều 55).
Thứ sáu, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giải phóng mặt bằng nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn đánh giá tác động môi trường cho đến khi cấp giải phóng mặt bằng đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan (Điểm d, Khoản 3 Điều 34).
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định hiện hành phân cấp các Bộ, ngành đều có thể thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường) đồng thời quy định các bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả (Khoản 3 Điều 35). Quy định này sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành.
Thứ bảy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung quy định về kiểm toán môi trường.
Tiếp thu kinh nghiệm thành công của quốc tế về kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung nội dung về kiểm toán môi trường (Điều 74) nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán. Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan.
Thứ tám, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu (Điều 90); giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Điều 91); bảo vệ tầng ô-dôn (Điều 92), trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Điều 96); bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn (Điều 93). Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon (Điều 139) như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, quy định rõ đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước; căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính; trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức liên trong trong việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thứ chín, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung các quy định về bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định tại Chương II, Mục 4 - Bảo vệ di sản thiên nhiên (Điều 20, Điều 21), qua đó đã đưa ra các quy định về tiêu chí xác lập di sản thiên nhiên dựa trên cơ sở các tiêu chí của quốc tế và thực tiễn điều kiện Việt Nam hiện nay; trong đó đối với các đối tượng là di sản thiên nhiên đã được quy định trong pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học và di sản văn hóa thì vẫn thực hiện theo các quy định này để tránh xáo trộn, chồng chéo. Đồng thời, quy định việc điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên để bảo vệ, phát huy giá trị bền vững di sản thiên nhiên ở nước ta.
Thứ mười, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 góp phần quan trọng tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Ở nước ta, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững cũng đã được ban hành nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho thúc đẩy các mô hình kinh tế này. Vốn tự nhiên là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, các nguồn năng lượng tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Cũng giống như các dạng vốn khác (vốn vật chất, vốn tài chính và vốn con người), vốn tự nhiên cũng có thể bị suy giảm và suy thoái do quá trình sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, với mô hình tăng trưởng trước đây, chúng ta mới chỉ tập trung tích lũy nhanh vốn vật chất, tài chính và con người mà thiếu đi sự quan tâm tới sự suy giảm, cạn kiệt của vốn tự nhiên, tạo ra những rủi ro và thách thức lớn cho thế hệ tương lai.
Để giải quyết vấn các vấn đề này, đồng thời tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung một chương (Chương XI) về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường, trong đó đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường (Điều 143); dịch vụ môi trường (Điều 144); sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 145); ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 146); thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên (Điều 147); đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (Điều 142). Đồng thời, bổ sung chính sách về tín dụng xanh (Điều 149), trái phiếu xanh (Điều 150) để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, ngày 23/6/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 (2015 - 2019) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Tờ trình số 125/TTr-CP, ngày 07/4/2020 của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
5. Tờ trình số 161/TTr-CP, ngày 20/4/2020 của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
6. Những điểm mới mang tính đột phá của Luật Bảo vệ môi trường 2020 của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đại úy, ThS Ngọ Duy Thi - Đại úy, ThS Trần Xuân Thái