Thành phố biển Đà Nẵng là nơi đáng sống nhất Việt Nam do có môi trường trong lành, ít ô nhiễm, các mô hình dịch vụ da dạng, phong phú cộng với mức sống cũng như cơ sở hạ tầng ổn định. Ảnh TL
Theo đó, đại diện thành phố đã cung cấp thông tin về Nghị định triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; Chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; Thông tin một số chủ trương về giá đất trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng vừa được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị cũng như đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng biến đổi khí hậu… Đồ án đã định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung; chủ trương cho phép Đà Nẵng nghiên cứu, lập Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực.
Với những cơ chế, chính sách có tính chất nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ cho thành phố nêu trên, chúng tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn đối với sự quan tâm, hỗ trợ và tin tưởng của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đối với thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Đà Nẵng là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung Việt Nam và Tây Nguyên. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng và tương đối hiện đại. Kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng khá; môi trường đầu tư được cải thiện, du lịch phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy vậy, Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong mô hình quản lý hiện nay phát sinh những vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực quản lý, đặc biệt là các vướng mắc phát sinh từ sự phối hợp chưa đồng bộ giữa quản lý theo ngành và quản lý theo vùng lãnh thổ; sự chồng chéo, chưa tách bạch giữa quản lý sự nghiệp và quản lý nhà nước...
Quản lý quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế, công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, tính bền vững chưa cao. Mô hình quản lý hiện hành của TP. Đà Nẵng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tự chủ, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị còn bất cập. Cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương với TP. Đà Nẵng và giữa các cấp chính quyền của TP. Đà Nẵng chưa phù hợp; một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn; không tạo được sự chủ động cho Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, yêu cầu để phát triển đô thị hiện đại, văn minh.
Việc công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP. Đà Nẵng mở ra nhiều cơ chế, chính sách, đảm bảo tính chủ động, tạo động lực phát triển TP. Đà Nẵng trong thời gian đến
Theo đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương:
- Có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước;
-Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...;
-Thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.
Tùng Anh