Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Khẩn cấp sửa chữa, bảo dưỡng các hồ, đập mất an toàn

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/10/2020 | 3:05:47 PM

QLMT - Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị các địa phương cần quan tâm sửa chữa, bảo dưỡng các hồ đập mất an toàn trong bối cảnh mưa lũ miền Trung phức tạp.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ miền Trung đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ, đập.

Tính đến sáng ngày 20.10, đã có 132 chết và mất tích do mưa lũ. Trong đó, mưa lũ đã làm 105 người chết (Nghệ An 01; Hà Tĩnh 02; Quảng Bình 06, tăng 04; Quảng Trị 49, tăng 08 người; Thừa Thiên Huế 27, Quảng Nam 11, Đà Nẵng 03, Quảng Ngãi 01, Gia Lai 01, Đắk Lắk 01, Lâm Đồng 01, Kon Tum 02); 27 người mất tích. 

Mưa lũ cũng khiến 16 tuyến quốc lộ, 165.150m đường quốc lộ, 140.125m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).

Hiện tại, ngập lụt, chia cắt tại 03 điểm trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Bình và 01 vị trí trên đường Hồ Chí Minh; nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt.

Trong khi đó, do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp nên khu vực miền Trung có đến 70 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, cụ thể: Bắc Trung Bộ: 14 hồ; Duyên Hải Nam Trung Bộ: 14 hồ; Tây Nguyên: 31 hồ; Bắc Bộ: 09 hồ; Đông Nam Bộ: 02 hồ. Những ngày qua, nhiều hồ chứa đã phải xả lũ.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Chính vì vậy, trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; định hướng giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực sửa chữa, bảo dưỡng các hồ, đập mất an toàn; đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt quy mô lớn. 

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương bố trí nguồn lực và thực hiện giải pháp phù hợp về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ… để tiếp tục duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động. Tăng cường các chính sách, giải pháp để tạo việc làm mới cho giai đoạn hậu COVID-19. 

Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Về định hướng cho giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 thận trọng; giải trình đầy đủ cơ sở khi áp dụng cách tính GDP mới và trình Quốc hội xem xét quyết định. 

Hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số.

 Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng. 

Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, kinh tế hộ gia đình. Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Tập trung xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, cần khai thác hiệu quả thị trường trong nước, các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại đến xuất khẩu.


Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

 Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới. 

Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu, nhất là vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long. 

Đánh giá về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, năm 2020 dự kiến có 08/12 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP tăng trưởng dương (ước đạt trên 2%) là một điểm sáng trong khu vực và thế giới.

 Nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành, hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân bước đầu vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. 

"Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới về đích trước 1,5 năm" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đánh giá sơ bộ 5 năm, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao (bình quân 6,8%/năm). 

Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được nâng cao; năng suất lao động được cải thiện; cơ cấu ngành công nghiệp, cơ cấu đầu tư chuyển dịch đúng hướng và tích cực.
------------------------------------------------------
Cử tri phản ánh và lo lắng về an toàn hồ, đập

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên gửi tới kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước vừa thực hiện phòng chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân.

Cử tri và nhân dân phản ánh và lo lắng về an toàn hồ, đập, đê chắn sóng; lũ lụt gây thiêt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân ở một số địa phương; mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đảm bảo đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai, dành nguồn lực thích đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Anh Thơ/Người đô thị

Các tin khác

Quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo QCVN 78:2023 là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Ngày 12/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 94/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc.

Cuốn Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) biên soạn nhằm cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản nhất về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục