Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/12/2023 | 3:02:38 PM

QLMT - Ngày 08/12/2023, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam phối hợp cùng với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tập đoàn VRISEM tổ chức Hội thảo: “Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”.

Tham dự Hội thảo có ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ; Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; Ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ; Ông Đặng Tiến Hùng, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Uỷ ban Dân tộc; Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ông Vũ Đăng Minh, Trưởng Ban tôn giáo; Ông Nguyễn Minh Quang, Phó trưởng ban Dân tộc, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Các chuyên gia, nhà Khoa học: TS. Lê Đăng Doanh; GS.TS Lê Thị Hợp; GS.TS Trần Đức Hạ; TS. Trần Quý; TS. Nguyễn Nhật Hải; Đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành Trung ương; Uỷ ban nhân dân, Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn… các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; Đại diện Tổ chức Apheda (Úc); Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân tộc, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam phát biểu tại hội thảo
TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân tộc, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân tộc, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế -xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các Dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Trung du và miền Núi Bắc bộ (TD&MNBB).

Việc tổ chức Hội thảo cũng góp phần triển khai Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TS. Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát biểu
TS. Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát biểu

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh, dân số khoảng 12,5 triệu người, trong đó hơn 7 triệu là người DTTS, chiếm trên 56 % dân số của vùng và chiếm gần 50 % số người DTTS của cả nước. Một số tỉnh có tỷ lệ người DTTS cao, chiếm trên 80% dân số như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên (trong đó tỉnh Cao Bằng có tới trên 92% dân số là người DTTS). Đến nay, Vùng TD&MNBB vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước: tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững.

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về thực trạng, những vấn đề cần giải quyết, những khó khăn, thách thức của vùng; đặc biệt các địa phương cần có những hành động cụ thể để phát huy hết tiềm năng, lợi thế phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, của vùng trong tương lai.

TS. Bế Trường Thành, TS. Đồng Xuân Thụ, TS. Lò Giàng Páo chủ trì Hội thảo
TS. Bế Trường Thành, TS. Đồng Xuân Thụ, TS. Lò Giàng Páo chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành đã tập trung vào một số vấn đề nội dung vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ: Liên kết phát triển vùng trong quy hoạch phát triển vùng; kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển vùng và gợi mở cho vùng; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng; phát triển các hành lang kinh tế nhằm thúc đẩy liên kết vùng; thuận lợi, khó khăn trong thực hiện liên kết vùng và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội...

Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phát biểu tại hội thảo.
Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc bộ quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNBB, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS. Đặc biệt là các vấn đề: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phấn đấu đến năm 2030 có trên 85% số xã, thôn trong Vùng có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; Phát triển sản xuất, văn hóa - xã hội và xóa đói giảm nghèo. cần triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khuyến khích lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, lao động ở nước ngoài để tăng thu nhập, hỗ trợ lao động tại chỗ tiếp cận việc làm phi nông nghiệp, tham gia chuỗi liên kết, kết nối hộ gia đình với doanh nghiệp - hợp tác xã để tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, cần chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tham luận
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tham luận

Là tỉnh miền núi, biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang có tiềm năng lợi thế về phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, kinh tế cửa khẩu,... Thông qua Hội thảo, tỉnh Hà Giang cũng đưa ra các giải pháp, đề xuất Chính phủ, các Ban ngành Trung ương liên quan cần tập trung ưu tiên, sớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc bộ nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, để các địa phương tổ chức thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn trình bày bài tham luận tại hội thảo
Ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn trình bày bài tham luận tại hội thảo

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù phát triển tuyến hành lang kinh tế các tỉnh biên giới phía Bắc (gồm 7 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La), như: cơ chế đặc thù về nguồn thu hoạt động xuất – nhập khẩu để đầu tư kết cấu hạ tầng; cho các tỉnh biên giới được chủ động lập, đề xuất danh mục thực hiện thí điểm chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng nông sản qua các cửa khẩu phụ, lối mở; được thí điểm quyết định danh mục các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Đại diện tỉnh Điện Biên phát biểu tham luận
Đại diện tỉnh Điện Biên phát biểu tham luận

Xây dựng quy hoạch các tuyến, điểm du lịch chung của vùng. Thống nhất một số cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết hợp tác trao đổi tour, tuyến khách du lịch, sản phẩm du lịch với các doanh nghiệp lữ hành. Tổ chức hội thảo, xúc tiến đầu tư một số đề án, dự án liên kết du lịch giữa các địa phương.

Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Kinh tế số Việt Nam phát biểu tham luận
TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Kinh tế số Việt Nam phát biểu tham luận

Đại biểu đến từ các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên và các chuyên gia đều có những tham luận và báo cáo về thực trạng, những tiềm năng, lợi thế và thách thức của địa phương trong phát huy liên kết phát triển bền vững kinh stế vùng. Vai trò của kinh tế số, định hướng phát triển nền công nghiệp, nông nghiệp, bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi Bắc bộ với những con số, chỉ tiêu và định hướng cụ thể.

GS.TS. BS. Lê Thị Hợp, nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tham luận
GS.TS. BS. Lê Thị Hợp, nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tham luận

Theo GS.TS. BS. Lê Thị Hợp, nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, vấn đề dinh dưỡng của bà mẹ trẻ em, nâng cao thể trạng của nhân dân cũng là một trong những yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Vì vậy, cần xây dựng và triển khai một số chương trình/ dự án tổng thể, dài hạn về chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em và người dân vùng Trung du và miền núi Bắc bộ như: dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm đói nghèo đảm bảo an ninh thực phẩn hộ gia đình đặc biệt những gia đình phụ nữ tuổi sinh đẻ ở những vùng nghèo có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ cao; xây dựng mạng lưới cán bộ y tế, dinh dưỡng vững mạnh để triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng…

TS.Lò Giàng Páo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội miền núi Việt Nam tham luận
TS.Lò Giàng Páo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội miền núi Việt Nam tham luận

Kết  thúc Hội thảo, TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân tộc, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam trân trọng cảm ơn đại diện Bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các chuyên gia và tất cả quý vị đại biểu đã đến dự và đóng góp ý kiến, đồng thời đề nghị Ban tổ chức lựa chọn các ý kiến để gửi đến các cơ quan chuyên môn, đề xuất, đóng góp, xây dựng đề án để thúc đẩy phát triển bền vững đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn vùng TD&MNBB trên cơ sở phát triển đảm bảo sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành, các địa phương; hình thành một số khu vực động lực, hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế. Đồng thời, phát huy tối đa tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, tận dụng mọi cơ hội, phát huy hiệu quả các chính sách cho đồng bào DTTS, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức và vươn lên.

HỒNG ANH

Tags thực trạng giải pháp hội thảo Trung du và miền núi Bắc bộ Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi phát triển kinh tế - xã hội

Các tin khác

Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.

Sáng ngày 4/9/2024, Tạp chí Công Thương đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành công thương".

Để đối phó với biến đổi khí hậu, hydrogen đang nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn và tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để loại năng lượng này được phát triển xứng tầm.

Triển lãm quốc tế lớn nhất ngành nước Vietwater 2024 – Mang đến nhiều giải pháp cho thách thức ngành nước tại Việt Nam

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục