Tìm giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon cho doanh nghiệp ngành công thương

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/9/2024 | 3:04:29 PM

QLMT - Sáng ngày 4/9/2024, Tạp chí Công Thương đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành công thương".

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia đã đưa ra các ý kiến quan trọng nhằm làm rõ khái niệm thị trường carbon, thuận lợi và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường này, cùng các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp ngành công thương vào thị trường carbon.


Các chuyên gia phát biểu ý kiến tại toạ đàm

Thị trường carbon – cơ chế thúc đẩy giảm phát thải

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn CO2 hoặc lượng khí nhà kính tương đương. Thị trường carbon là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp, tổ chức, hoặc thậm chí giữa các quốc gia, giúp thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng thị trường carbon chính là cơ chế quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm phát thải. Tham gia thị trường này không chỉ giúp các doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận từ việc bán tín chỉ carbon mà còn tạo ra nguồn lực tài chính để tiếp tục đầu tư vào các giải pháp công nghệ xanh và bền vững.

Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng thị trường carbon sẽ là động lực quan trọng để các doanh nghiệp tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Việc bán tín chỉ carbon giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu để đầu tư vào sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả giảm phát thải.

Tuy nhiên, các ý kiến tại tọa đàm cũng nhấn mạnh những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Hiện nay, vẫn còn thiếu các công cụ, tiêu chuẩn tính toán và đo lường lượng phát thải khí nhà kính. Thêm vào đó, sự tham gia tích cực của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm giảm phát thải, là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của thị trường. Trong khi Chính phủ có thể cam kết với cộng đồng quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của các doanh nghiệp.

Giải pháp thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành công thương

Để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào thị trường carbon, các chuyên gia khuyến nghị cần có lộ trình rõ ràng và hành lang pháp lý đầy đủ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đòi hỏi sự sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, đồng thời áp dụng các giải pháp linh hoạt và đột phá trong triển khai.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương cần chủ động trang bị kiến thức, công nghệ và tiềm lực tài chính để tận dụng tối đa cơ hội mà thị trường carbon mang lại. Việc đổi mới công nghệ và cải tiến phương thức quản lý phát thải sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng phát triển xanh và bền vững.

Thị trường carbon không chỉ là một cơ chế tài chính mà còn là công cụ quan trọng để Việt Nam hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Doanh nghiệp ngành công thương cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham gia thị trường carbon và đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TÚ ANH

Tags Net Zero thị trường carbon ngành công thương doanh nghiệp

Các tin khác

Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.

Để đối phó với biến đổi khí hậu, hydrogen đang nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn và tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để loại năng lượng này được phát triển xứng tầm.

Triển lãm quốc tế lớn nhất ngành nước Vietwater 2024 – Mang đến nhiều giải pháp cho thách thức ngành nước tại Việt Nam

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự