Tọa đàm có sự tham gia của ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; TS Lê Xuân Rao- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội); Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến- Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng-Kỹ thuật, Bộ Xây dựng; PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng; GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội; TS. Nguyễn Phương Quý, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền, cùng các phóng viên, nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí truyền thông.
TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và GS.TS Trần Đức Hạ, Ủy viên BTV Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.
TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và GS.TS Trần Đức Hạ, Ủy viên BTV Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu
Việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm thành phố Hà Nội: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét là một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xử lý vấn đề môi trường được UBND Thành phố phê duyệt từ tháng 12/2021.
Toàn cảnh Toạ đàm.
Công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm các con sông này, trong đó có Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tầm nhìn đến 2030” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng năm 2022.
Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát biểu về tầm quan trọng và mục tiêu của việc lập đề án.
Toạ đàm lần này được tổ chức để làm rõ hơn tính khả thi của các giải pháp được đề cập trong dự thảo đề án nói trên. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hà Nội lắng nghe, tập hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị liên quan để gửi đơn vị lập Đề án (Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội) hoàn thiện trình UBND Thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt, triển khai đề án.
Tại toạ đàm, PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Chủ trì tư vấn lập Đề án đã trình bày dự thảo Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tầm nhìn đến 2030”.
PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ trì tư vấn lập Đề án trình bày dự thảo Đề án
Theo Dự thảo đề án, sự hình thành và chức năng của hệ thống 4 con sông nội đô gắn bó chặt chẽ với sự phát triển đô thị của thành phố Hà Nội. Cấu trúc của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển không gian dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên; trong đó cấu trúc tự nhiên của các dòng sông trong nội đô đóng vai trò xương sống, cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội. Đây là những yếu tố địa lý cơ bản định hình các xóm làng và mạng lưới giao thông của đô thị cổ.
Bên cạnh đó, những dải đất tự nhiên ven sông đóng vai trò là không gian xanh quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, 2005: các cửa ô đều là cửa nước ở nơi giao hội các dòng sông, đây cũng là nơi bố trí các chợ ven đô, chợ cửa ô, do đó, trong các triều đại phong kiến, việc nạo vét sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhằm tránh ngập lụt, chống lấn chiếm đất đai vào lòng sông; trong mạng lưới sông hồ phía Nam, sông Sét và sông Lừ đóng vai trò nổi bật.
GS.TS Trần Đức Hạ, Ủy viên BTV Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam góp ý cho đề án
Nhiều giải pháp cải tạo các dòng sông đã được thực hiện trong suốt quá trình hình thành và phát triển, bao gồm xây đê, kè bờ, xây đập và cống ngăn, thậm chí cả lấp bớt một phần sông (trường hợp sông Tô Lịch). Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hoá, đặc biệt là sức ép dân số cơ học trên địa bàn Thành phố Hà Nội ngày càng tăng dẫn đến các vấn đề và thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô.
Thời gian qua, dù Thành phố có rất nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả thoát nước và cải thiện chất lượng nước 4 con sông nội đô, quá trình thực thi, tổ chức điều hành các chương trình, dự án còn thiếu tính chủ động, chưa tích hợp trong xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả hơn từ các nguồn lực xã hội; đặc biệt là nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường chưa đồng bộ, thiếu tính dự báo, chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển của thành phố; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông nội đô chưa toàn diện và bền vững.
GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi phát biểu ý kiến về việc bổ cập nước cho sông nội đô Hà Nội
Để giải quyết các vấn đề trên cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: (1) Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; (2) Xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của Thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 04 con sông; (3) Đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, phù hợp và đóng góp cho sự phát triển xanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng- Kỹ thuật, Bộ Xây dựng phát biểu tại toạ đàm.
Quan điểm của đề án giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đó là: Phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 4 con sông nội đô được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội; Lấy phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước là chủ đạo, kết hợp kiểm soát, khắc phục, cải thiện chất lượng môi trường nước; Kết hợp hài hòa giữa yếu tố môi trường tự nhiên và các giá trị lịch sử văn hóa; tái kết nối dòng sông với không gian ven sông và khu vực phát triển hai bên trong việc phục hồi và phát triển hệ thống sông nội đô, tạo nên "thương hiệu” cho thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại; Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đồng thời mở rộng, đa dạng hoá nhưng có lựa chọn trọng điểm nhằm thu hút đầu tư.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Đề án
Xây dựng đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đặt mục tiêu: Ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường nước trên hệ thống sông nội đô đáp ứng các quy chuẩn về môi trường; Đóng góp vào việc đáp ứng các tiêu chí đặt ra để được "Thành phố xanh-thông minh-sáng tạo”, tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường; Khôi phục các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của dòng sông, gắn với hệ sinh thái nhân văn các khu định cư truyền thống và khu phát triển mới dọc sông.
TS. Nguyễn Phương Quý, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền phát biểu tại Toạ đàm
Để thực hiện các mục tiêu trên, đề án đã đưa ra những giải pháp thực hiện từ cơ chế, chính sách đến khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp tài chính và nhiều giải pháp hỗ trợ trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm
Tại toạ đàm, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đưa ra nhiều góp ý cho dự thảo đề án. Toạ đàm cũng nhận được nhiều câu hỏi trao đổi của các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và Hà Nội về các vấn đề làm sao để cải thiện chất lượng nước và cảnh quan của các con sông nội đô một cách hiệu quả.
HÀ THẮM - THẾ LỢI