Vai trò quan trọng của 4 con sông nội đô
Quá trình phát triển đô thị đã khiến những dòng sông này ngày càng ô nhiễm nặng, các sông không còn dẫn nước, nguồn nước chảy vào chỉ còn là nguồn nước thải từ nội thành, hầu như không qua xử lý. Hệ thống 4 con sông này hiện nay chỉ còn là những kênh mương tiêu thoát nước mưa và nước thải của thành phố.
Để làm sống lại các con sông nội đô, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ trì xây dựng Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Đề án đang được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện trước khi trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt triển khai thực hiện.
Kẻ Chợ (The City of Cha-Cho, the Metropolis of Tonqueen) - Mô tả một phần của khu vực trung tâm buôn bán sầm uất phía Đông bên ngoài Hoàng Thành Thăng Long cuối thế kỷ XVII. Đây là khu vực ngã ba sông Hồng và Tô Lịch. (Nguồn: Samuel Baron, 1732)
Theo Đề án, sự hình thành và chức năng của hệ thống 4 con sông nội đô gắn bó chặt chẽ với sự phát triển đô thị của thành phố Hà Nội (đô thị trong sông nước) được phát triển từ một khu vực đầm lầy với hệ thông thống sông ngòi dày đặc. Vì vậy, cấu trúc của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển không gian dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên; trong đó cấu trúc tự nhiên của các dòng sông trong nội đô đóng vai trò xương sống, cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội. Đây là những yếu tố địa lý cơ bản định hình các xóm làng và mạng lưới giao thông của đô thị cổ.
Bên cạnh đó, những dải đất tự nhiên ven sông đóng vai trò là không gian xanh quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, 2005: các cửa ô đều là cửa nước ở nơi giao hội các dòng sông, đây cũng là nơi bố trí các chợ ven đô, chợ cửa ô, do đó, trong các triều đại phong kiến, việc nạo vét sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhằm tránh ngập lụt, chống lấn chiếm đất đai vào lòng sông; trong mạng lưới sông hồ phía Nam, sông Sét và sông Lừ đóng vai trò nổi bật.
Các thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô
Các tác giả của đề án trên cho biết: Nhiều giải pháp cải tạo các dòng sông đã được thực hiện trong suốt quá trình hình thành và phát triển, bao gồm xây đê, kè bờ, xây đập và cống ngăn, thậm chí cả lấp bớt một phần sông (trường hợp sông Tô Lịch). Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hoá, đặc biệt là sức ép dân số cơ học trên địa bàn Thành phố Hà Nội ngày càng tăng dẫn đến các vấn đề và thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô.
Công nhân thoát nước Hà Nội nạo vét sông Tô Lịch. Ảnh: Đào Quang Minh
Những vấn đề, thách thức đã được các tác giả của đề án nêu ra rất cụ thể:
Ô nhiễm nước mặt trầm trọng do các nguồn thải đô thị: Các sông hở đảm nhận tiêu thoát nước mưa và một phần nước thải sinh hoạt, do đó bị ô nhiễm (đặc biệt đối với thông số ô nhiễm chất hữu cơ; dinh dưỡng N, P; vi sinh; DO), gây mùi hôi thối, làm mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, giảm chất lượng sống và sức khỏe của cộng đồng.
Nguy cơ cạn kiệt dòng chảy: Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg, nước thải ở lưu vực S1, S2, S3 được thu gom bằng hệ thống cống bao dọc sông để đưa về Nhà máy XLNT và xả ra sông Nhuệ, hạ lưu sông Tô Lịch, hạ lưu sông Kim Ngưu; dẫn đến nguy cơ về mùa khô, khu vực thượng lưu sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu sẽ bị cạn kiệt.
Giá trị của dòng sông trong đóng góp vào sinh thái đô thị còn mờ nhạt; các giá trị về lịch sử, văn hóa bị suy giảm, vai trò trong đời sống xã hội hạn chế, cụ thể: Đóng vai trò duy nhất là tiêu thoát nước mưa và một phần nước thải, mất đi vai trò và giá trị lịch sử-văn hóa quan trọng trong đời sống đô thị; hệ thống sông chưa phát huy hiệu quả được vai trò hành lang cây xanh – mặt nước trong việc điều hóa môi trường khí hậu và nâng cao chất lượng sống của người dân thủ đô. Ngoài ra, việc bê tông hóa – kênh hóa các dòng sông làm giảm khả năng bổ cập tự nhiên cho tầng nước ngầm, cũng như làm giảm giá trị thẩm mỹ, cảnh quan đô thị. Biến đổi khí hậu khiến cho tần suất bão tăng, tần suất xảy ra các trận mưa ngắn có lưu lượng lớn có xu hướng tăng; tình trạng ngập lụt vẫn phổ biến ở nhiều khu vực của thành phố nơi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ.
Ngoài ra, dù Thành phố có rất nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả thoát nước và cải thiện chất lượng nước 4 con sông nội đô trong những năm qua, quá trình thực thi, tổ chức điều hành các chương trình, dự án còn thiếu tính chủ động, chưa tích hợp trong xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả hơn từ các nguồn lực xã hội; đặc biệt là nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường chưa đồng bộ, thiếu tính dự báo, chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển của thành phố; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông nội đô chưa toàn diện và bền vững.
Các con sông nội đô trở thành hệ thống kênh bê tông thoát nước của thành phố Hà Nội.
Để giải quyết các vấn đề trên, nhóm tác gải nghiên cứu, xây dựng đề án cho rằng cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực:
(1) Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050;
(2) Xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của Thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông;
(3) Đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, phù hợp và đóng góp cho sự phát triển xanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Ngày 22/8/2023 tới đây, tại Trụ sở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (Hà Nội), Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội sẽ tổ chức Toạ đàm Làm "sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét nhằm làm rõ hơn tính khả thi của các giải pháp được đề cập trong dự thảo đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hà Nội lắng nghe, tập hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị liên quan cho đề án trước khi trình UBND Thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt, triển khai thực hiện.
Mời quý bạn đọc theo dõi thông tin về buổi toạ đàm trên:
moitruongvadothi.vn/quanly.moitruongvadothi.vn
LÂM HÀ