Áp dụng thuế carbon góp phần phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/3/2023 | 2:56:07 PM

QLMT - Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế các - bon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá các - bon.

Thuế các - bon tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp góp phần bảo đảm phát triển bền vững. Thuế các - bon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường.

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đổi mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế các - bon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc, và sẽ cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó định giá các - bon, bao gồm thuế các - bon và thị trường các - bon được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.


Thuế các - bon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường

Thuế các - bon là loại thuế áp dụng đối với lượng khí CO2 phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Cơ sở nền tảng của việc áp dụng thuế các - bon là đưa ra chi phí bổ sung cho mỗi tấn CO2 phát thải vào khí quyển nhằm mục đích nội hóa các chi phí ngoại tác do phát thải CO2 gây ra cho xã hội. Thuế các - bon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường. Nói cách khác, thuế các - bon được thiết kế để giảm thiểu hoặc loại bỏ các ngoại ứng tiêu cực từ việc phát thải CO2.

Thuế các - bon tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ các - bon thấp góp phần bảo đảm phát triển bền vững. Thuế các - bon là một công cụ kinh tế nhằm cụ thể hoá nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền”; Có vai trò rất quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường; Góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu về môi trường, khuyến khích tăng trưởng xanh.

Theo các chuyên gia, thuế các - bon là một công cụ kinh tế hiệu quả trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái đất và biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế các - bon vào thực tiễn có thành công hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điển hình là điều kiện kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách bảo vệ môi trường của từng quốc gia. Từ góc độ thuế, việc cân nhắc áp dụng thuế các - bon còn phải xem xét đến sự phù hợp giữa thuế các - bon và các loại thuế khác trong hệ thống thuế quốc gia nhằm tránh đánh thuế 2 lần, tạo ra gánh nặng thuế cho các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.

Theo đánh giá của tổ chức "Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam – VIETSE”: Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế các - bon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá các - bon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32 – 76 USD/tấn CO2)cao hơn nhiều so với than (0,22 – 0,42 USD/tấn CO2 phát thải).

Tại Việt Nam, thuế bảo vệ môi trường có đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế, mức thuế suất được quy định trên cơ sở cụ thể hóa nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền” và phần nào đã tính đến việc thu thuế để đạt được giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Nói cách khác, thuế bảo vệ môi trường được xem là tương đồng với thuế các - bon.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức thuế tuyệt đối của thuế bảo vệ môi trường chưa phản ánh rõ ràng giá các - bon cho nên tác động của thuế tới việc giảm phát thải khí nhà kính là chưa đáng kể. Bên cạnh đó, giống như thuế tài nguyên, tiền thuế bảo vệ môi trường chưa được tách riêng khỏi nguồn thu của các cấp ngân sách để đầu tư trở lại cho lĩnh vực môi trường. Những điểm còn hạn chế này của thuế bảo vệ môi trường sẽ được khắc phục nếu thuế các - bon được áp dụng. Rõ ràng là khả năng áp dụng thuế các - bon vào hệ thống thuế hiện hành là hoàn toàn có cơ sở.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả hai công cụ thuế các - bon và thị trường các - bon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, thị trường các - bon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải.

Bên cạnh đó, phương án ban hành thuế các - bon với tư cách là một loại thuế độc lập có nhiều hạn chế, khó khăn như sau: Sẽ phải trải qua quy trình soạn thảo, phê duyệt rất phức tạp, mất nhiều thời gian; Cùng tồn tại song song với thuế bảo vệ môi trường dễ gây ra tình trạnh chồng chéo giữa 2 cơ chế thuế, thậm chí có thể xảy ra tình trạng đánh thuế 2 lần do 1 phần phạm vi đối tượng chịu thuế của 2 loại thuế này là trùng nhau; Việc áp dụng thuế các - bon mới đòi hỏi phải thiết lập được hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra để đảm bảo kiểm kê được các phát thải chịu thuế một cách minh bạch và chính xác, là điều kiện để thu thuế đúng, đủ và phát huy vai trò của thuế các - bon; Chi phí cho việc ban hành thuế các - bon mới rất cao.

Thuế các - bon là một công cụ kinh tế hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, còn khá xa lạ đối với hầu hết người dân và doanh nghiệp. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục rà soát lại các loại thuế liên quan, tương đồng; nghiên cứu kĩ các kinh nghiệm thực tế của các quốc gia hiện đang áp dụng cũng như tình hình thực tế của Việt Nam để có các chính sách phù hợp, khả thi.

Theo Tạp chí tài chính

Tags Áp dụng thuế carbon carbon phát triển bền vững

Các tin khác

Hội nghị Nước năm 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra ở Mỹ, trùng thời điểm với Ngày Nước thế giới 22/3 là cơ hội để thế giới tăng cường hành động thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Sáng 7/3, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Công an nhân dân năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục