Tọa đàm “Tương lai nào cho sông Tô Lịch?”

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/3/2021 | 11:31:05 AM

QLMT - Ngày 18/3/2021, Chuyên trang Quản lý Môi trường thuộc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tương lai nào cho sông Tô Lịch?”

Phóng sự "Tương lai nào cho sông Tô Lịch?"

Sông Tô Lịch là dòng sông có ý nghĩa lịch sử, văn hoá và tâm linh của Hà Nội. Núi Nùng Sông Tô được coi là tượng trưng cho kinh thành Thăng Long xưa.

Sông Tô Lịch (có chiều dài khoảng 14,6km) cùng sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét tạo nên hệ thống thoát nước chính của thành phố Hà Nội.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, sông Tô Lịch tiếp nhận nước mưa và nước thải của lưu vực 77,5km2 với lưu lượng 30m3/s. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt, khu công nghiệp.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch là rất nghiêm trọng, hoàn toàn không thể sử dụng nước sông trong sinh hoạt, sản xuất, trồng trọt.

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khác nhau để cải tạo dòng sông. Tuy vậy, hiện nay sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm trầm trọng.

toa dam 1Các chuyên gia thảo luận tại buổi tọa đàm

 

Từ thực tế nói trên, ngày 18/3/2021, Chuyên trang Quản lý Môi trường thuộc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề "Tương lai nào cho sông Tô Lịch?” nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia cùng tham gia trao đổi, thảo luận và đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch hiện nay.

Tham dự tọa đàm có Giáo sư Sử học Lê Văn Lan; GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thuỷ Lợi; GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, giảng viên cao cấp Trường đại học Xây dựng; KTS Phạm Thanh Tùng, Uỷ viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và các nhà báo thuộc các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và Hà Nội.

Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đều tập trung vào ba nội dung chính: xử lý, khôi phục dòng nước mặt; bùn lắng đọng và hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt và sản xuất không cho đổ vào sông Tô Lịch. 

Dưới góc độ lịch sử, tại tọa đàm, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đưa ra các thông tin quý giá về dòng sông Tô Lịch trong 2000 năm qua; vị trí của dòng sông trong quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội; những giải pháp cụ thể để khôi phục dòng sông.

KTS Phạm Thanh Tùng đưa ra những thông tin tổng quan về quy hoạch kiến trúc các dòng sông thuộc Hà Nội. Đối với dòng sông Tô Lịch, KTS Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm của mình đó là cần quy hoạch cải tạo dòng sông Tô Lịch đang ô nhiễm như hiện nay thành dòng sông thoát nước mưa; có giải pháp bổ cập nước thường xuyên cho dòng sông; tiếp tục thực hiện việc cống hóa hai bên dòng sông để thu nạp nước thải; quy hoạch cảnh quan kiến trúc hai bên dòng sông.

Đồng quan điểm với KTS Phạm Thanh Tùng, GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thuỷ Lợi cho rằng cần phải trả lại chức năng chính cho dòng sông Tô Lịch đó là thoát nước mưa. KTS Phạm Thanh Tùng nêu kiến nghị các đơn vị của thành phố cần giải quyết được bài toán sông phải có dòng nước sạch chảy liên tục nhất là vào mùa cạn; những giải pháp cụ thể để bổ cập nước thường xuyên cho sông Tô Lịch.

toa dam2Quang cảnh buổi tọa đàm

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm ở các dòng sông nhất là sông Tô Lịch, sau khi nêu thực trạng của sông Tô Lịch, GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp cụ thể để cải tạo, khôi phục dòng sông Tô Lịch: Cần phải rà soát và điều chỉnh quy hoạch 725, trong đó có việc đưa một phần nước thải lưu vực S3 về nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây và đưa nội dung thu gom, xử lý nước thải phân tán bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông; thực hiện dự án bổ cập nước sạch cho sông Tô Lịch cũng như các sông hồ khác của Hà Nội từ nguồn nước sông Hồng và nước thải sau xử lý; nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông Tô Lịch và các sông hồ nội đô khác có kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí trên mặt nước; xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông Tô Lịch và sông hồ nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập và kiểm soát hoạt động các nhà máy và công trình xử lý nước thải xả vào sông; xây dựng chế tài bảo vệ môi trường sông Tô Lịch và sông hồ nội đô.

PV

Tags sông Tô Lịch ô nhiễm sông Tô Lịch tọa đàm về môi trường

Các tin khác

Hội nghị Nước năm 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra ở Mỹ, trùng thời điểm với Ngày Nước thế giới 22/3 là cơ hội để thế giới tăng cường hành động thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Sáng 7/3, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Công an nhân dân năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục