Thu gom rác ở bãi biển thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, việc phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải chưa đồng bộ, hiệu quả; các giải pháp giảm thiểu chất thải rắn trong sinh hoạt chưa được chú trọng, việc áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường còn hạn chế…
Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN 2017), ước tính lượng phát thải vi nhựa hàng năm có nguồn gốc từ hóa dầu vào môi trường tương đương khoảng 11,7 triệu tấn.
Trong đó, 3,2 triệu tấn nhựa từ các nguồn khác nhau đã ở dạng vi nhựa trước khi phát tán ra môi trường (được gọi là "vi nhựa sơ cấp”), cùng với 8 triệu tấn khác được tạo ra do sự phân rã của các mảnh nhựa lớn khác tồn tại trong môi trường.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi sự đánh giá chính xác hơn nữa về vi nhựa và kiểm soát vi nhựa nhằm đẩy lùi ô nhiễm nhựa. Trong một báo cáo về "Vi nhựa trong nước uống” được công bố bởi WHO năm 2019, các tác động lên sức khỏe con người do vi nhựa, các chất hóa học từ vòi nước và nước uống là không đáng kể, tuy nhiên các tác động gián tiếp lên con người từ các hệ sinh thái, chuỗi thức ăn bị ô nhiễm nhựa đáng báo động.
Ô nhiễm môi trường biển
Thông qua dự án COMPOSE (Xây dựng trung tâm quan trắc về nhựa trong xã hội và môi trường), Tiến sỹ Emilie Strady, chuyên gia Viện nghiên cứu vì sự Phát triển Pháp (IRD) đã tiến hành đánh giá nồng độ vi nhựa trong các môi trường nước ngọt và biển ở Việt Nam cho thấy phạm vi ô nhiễm vi nhựa có liên quan đến các hoạt động nhân sinh xung quanh sử dụng nhựa như nghề cá, nuôi trồng thủy sản, hộ gia đình, bãi rác, áp lực đô thị lên môi trường và việc thải trực tiếp nước thải, đã qua xử lý hoặc chưa qua xử lý.
Nồng độ vi nhựa được quan sát thấy ở các vịnh thấp hơn nồng độ vi nhựa được ghi nhận tại các sông.
Cụ thể, ở các sông, vi nhựa thể hiện sự biến đổi nồng độ đa dạng từ 2,3 hạt/m3 ở sông Hồng đến 2.522 hạt/m3 ở sông Tô Lịch với nồng độ thấp hơn ở sông chính và nồng độ cao hơn ở các sông nhỏ và đô thị, đặc biệt ở các vùng tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý. Trong các vịnh, nồng độ vi nhựa thay đổi từ 0,4 hạt/m3 ở vịnh Cửa Lục đến 28,4 hạt/m3 ở cửa sông Dinh.
Có hai nguồn phát thải vi nhựa ra môi trường gồm nguồn sơ cấp do sản xuất hạt nhựa, mài mòn công nghệ, in 3D, mỹ phẩm… nguồn thứ cấp do phân rã từ chất thải nhựa lớn do tia UV, nhiệt, sống…Nhiều hạt vi nhựa có trong nước ở các sông do hoạt động của con người và do chất thải thải ra sông, từ sông đổ ra biển.
Vi nhựa gây tác hại nghiêm trọng đến sinh vật và khí quyển
Bà Lê Kiều Thủy Chung, Khoa Kỹ thuật địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo nghiên cứu của trường, vi nhựa đã được tìm thấy trong các cơ quan khác nhau của các loài sinh thủy sinh ở Việt Nam, trong đó, cơ quan tiêu hóa và mang là nơi tích lũy phần lớn các vi nhựa.
Mức độ ô nhiễm vi nhựa trong thủy sinh ở Việt Nam tương đối cao so với các sinh vật hai mảnh vỏ ở châu Âu hay một số loài cá ở vùng biển Địa Trung Hải.
Ngoài ra, tác động của các hoạt động tại địa phương như: Áp lực dân số cao, hoạt động sản xuất công nghiệp và quy trình xử lý nước thải dẫn đến sự tích lũy vi nhựa dạng sợi nhiều hơn so với dạng mảnh. Điều này dẫn đến việc lan truyền và tích lũy vi nhựa cũng như các chất ô nhiễm khác từ sinh vật bậc thấp đến sinh vật bậc cao và thậm chí là trong cơ thể con người thông qua chuỗi thức ăn.
Với kích thước nhỏ gọn dễ phát tán, chỉ trong thời gian ngắn, vi nhựa đã có mặt khắp nơi gây ra tình trạng ô nhiễm vi nhựa ngày càn lan rộng, ảnh hưởng tới môi trường sống.
Kết quả nghiên cứu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho thấy, các loài sinh vật biển và chim biển thường ăn nhựa và vi nhựa do nhầm lẫn đó là thức ăn, lâu dần khi dạ dày không có chỗ chứa, chúng sẽ chết do trong bụng chứa đầy nhựa và vi nhựa.
Một cách khác, các loài sinh vật phù du sẽ ăn vi nhựa, cá bé lại ăn sinh vật phù du và bị nhiễm nhựa, cá lớn lại ăn cá bé và bị nhiễm vi nhựa, lâu dần cũng sẽ chết. Vì thế, số lượng sinh vật biển giảm đi đáng kể, rõ rệt . Bên cạnh đó, con người ăn các loài sinh vật biển sẽ tích lũy vi nhựa trong cơ thể.
Còn theo ông Trương Trần Nguyễn Sang, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, các sợi hoặc mảnh vi nhựa dẻo trong các bụi khí quyển ở Thành phố Hồ Chí Minh được tìm thấy trong tất cả các mẫu.
Dòng lắng đọng của vi nhựa thay đổi theo các xu hướng khác nhau tại mỗi địa điểm lấy mẫu trong một năm có thể liên quan đến các yếu tố như mật độ dân số, không gian chiếm dụng hoặc điều kiện thời tiết như lượng mưa và hướng gió.
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm khí quyển ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là do các yếu tố như áp lực dân số cao 8,5 triệu (GSO, 2018) với mật độ 4.171 người/km2; công nghiệp dệt may tại địa phương; các hoạt động của con người như bãi chôn lấp và công trường xây dựng; thói quen của người dân địa phương và sự khác biệt về mức độ quản lý chất thải...
Vì vậy, vi nhựa trong không khí nên coi là chất ô nhiễm mới do vận chuyển xa và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Thiếu những công trình nghiên cứu tác động của vi nhựa
Theo số liệu của Liên hợp quốc, quản lý nhựa trên toàn cầu vẫn ở mức kém khi chỉ có 9% được tái chế, 12% được đốt và gần 70% chôn lấp hoặc thải bỏ. Các nhà khoa học cho rằng, trước những tác hại mà nhựa đem lại cho môi trường, con người cần phải hành động để thay đổi.
Người dân tới đổi rác tái chế lấy quà tại điểm đổi rác phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Thực tế, có rất ít công trình khoa học nghiên cứu sâu về tác động của các loại hạt vi nhựa đến sức khỏe lâu dài của con người và động vật.
Một số nghiên cứu đã xác định sự phân bố và hàm lượng vi nhựa trong các mẫu trầm tích và môi trường nước nhưng chưa đánh giá tổng thể về nguồn phát sinh (từ các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, hoạt động giặt là, dệt may, giao thông...) và thực trạng vi nhựa trong môi trường (đất, nước, không khí...).
Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, sông Sài Gòn mật độ vi nhựa dạng sợi tại mỗi điểm từ 172.000 sợi vi nhựa/m3 nước đến 519.000 sợi vi nhựa/m3 nước; dạng mảnh từ 10 sợi vi nhựa/m3 nước đến 223 sợi vi nhựa/m3 nước.
Trầm tích bãi triều huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa có hàm lượng hạt vi nhựa từ 0.02-0.0798g/kg với giá trị trung bình 0.0229-0.0089 g/kg, tương ứng với 2532-6875 mảnh vi nhựa/kg trầm tích. Ở vùng biển Tiền Giang, Cần Giờ và Bà Rịa-Vũng Tàu, mật độ vi nhựa dao động từ 0.04-0.82 sợi vi nhựa/m3 nước biển, thấp nhất ở vùng Cần Giờ và cao nhất ở vùng Tiền Giang.
Thực tế, có ít tài liệu, báo cáo rà soát các văn bản, chính sách kiểm soát ô nhiễm vi nhựa đã được ban hành nhưng chưa được cập nhật đầy đủ.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đặt ra một loạt các mục tiêu để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, bao gồm cắt giảm một nửa lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025; giảm thiểu 75% lượng chất thải nhựa trên biển vào năm 2030; loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân hủy tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.
Theo đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa. Tuy nhiên, hiện, vẫn chưa có quy định về giảm chất thải từ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; việc tái chế chất thải nhựa chưa được triển khai một cách chính thức.
Bên cạnh đó, còn tồn tại khoảng trống trong tri thức, hiểu biết và chính sách pháp luật về quản lý ô nhiễm vi nhựa từ các nguồn sơ cấp. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc, bất cập trong áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon và việc thu hồi các sản phẩm trong danh mục theo Quyết định số 16/QĐ-TTg chưa được triển khai; chưa có quy định về vi nhựa trong xử lý nước thải, quản lý chất lượng không khí.
Hoàn thiện chính sách pháp luật để quản lý nhựa
Để quản lý ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam một cách hiệu quả, theo ông Nguyễn Trung Thắng, Việt Nam cần xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 về quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa; đưa nội dung về quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa vào các quy định của Luật Tài nguyên Môi trường biển, hải đảo sửa đổi, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; lồng ghép nội dung về phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa trong các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.
Các loại rác thải khó phân hủy tràn ngập ở khu vực biển phường Đông Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa, vi nhựa vào môi trường. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải nhựa, vi nhựa và sản xuất các nguyên liệu nhựa sinh học, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý nhựa và vi nhựa; tăng cường thực thi, tuân thủ chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Ông Trương Trần Nguyễn Sang, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc giám sát quốc gia về vi nhựa trong không khí là cần thiết để hiểu mức độ lắng đọng khác nhau ở các khu vực khác nhau và hậu quả tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người. Cảnh báo người dân địa phương về sự hiện diện của vi nhựa trong khí quyển và rủi ro tiềm ẩn.
Chính sách giảm thiểu khối lượng chất thải nhựa và khuyến khích sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường hơn trong xử lý chất thải. Do đó, việc giảm thiểu chất thải nhựa và hạn chế sử dụng các đồ nhựa, đặc biệt là đồ dùng một lần hoặc thay thế đồ nhựa vật liệu trong cuộc sống hàng ngày là giải pháp ưu tiên.
Còn theo ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam, tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào nói không với rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc.
Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, hành động giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần và chất hữu cơ khó phân hủy.
Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất túi nylon và đồ nhựa dùng một lần; đầu tư phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa độc hại từ hoạt động sản xuất và tiêu dùng.
Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông cho cán bộ môi trường các bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng trong chống rác thải nhựa.
Giải pháp đột phá vẫn là thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong sinh hoạt của người dân; thay đổi hành vi sản xuất kinh doanh sản phẩm nhựa, xả thải gây ô nhiễm môi trường./.
Theo Lý Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)