Diễn đàn chuyên gia: Cần Giờ trong tầm nhìn kinh tế biển

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/4/2021 | 2:33:08 PM

QLMT - Nên ứng xử như thế nào để không bảo thủ trước cơ hội phát triển của Cần Giờ, không bỏ quên nguồn lực kinh tế biển nhưng cũng không đánh mất những giá trị bản địa, phủ nhận đề án “TP.HCM phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu”, trong đó đã pháp quy hóa định hướng chiến lược phát triển đô thị theo hướng Tây Bắc thích ứng với khí hậu hơn theo hướng Đông Nam…?

Lời tòa soạn,

Trong buổi khảo sát và làm việc với huyện Cần Giờ ngày 24.4, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã bày tỏ mong muốn các chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học tiếp tục ý kiến, tư vấn trên các lĩnh vực để đóng góp vào sự phát triển bứt phá của Cần Giờ nói riêng và của TP.HCM nói chung.

Trước đó, TP.HCM cũng đã xác định chủ trương tiến biển để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, và Cần Giờ được chọn lựa để thực hiện sứ mệnh nhiều khát vọng ấy. Trong tương lai, Cần Giờ cũng sẽ không từ huyện lên quận mà tiến thẳng lên thành phố. Dự thảo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng đưa ra mục tiêu phát triển không gian đô thị TP.HCM thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và dự báo quy mô dân số của Cần Giờ sẽ tăng khoảng 230.000 người…

Những thông tin này đang thu hút sự quan tâm của không chỉ riêng người Sài Gòn. 

Bên cạnh kỳ vọng TP.HCM sẽ đánh thức được tiềm lực Cần Giờ để đi cùng "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Nghị quyết số 36-NQ/TW, cũng đã có nhiều băn khoăn trong giới chuyên gia quy hoạch, di sản, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, người dân... phản ánh đến Người Đô Thị, lo ngại việc sớm "bật đèn xanh” thu hút các nguồn lực đầu tư khi chưa xác định được mô hình phát triển phù hợp, và ý định chuyển đổi vượt cấp từ huyện lên thành phố, sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho vùng đất được mệnh danh "lá phổi xanh” của TP.HCM, nơi đang sở hữu "kho báu” là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và nhiều giá trị di sản độc đáo...

Nên ứng xử như thế nào để không bảo thủ trước cơ hội phát triển của Cần Giờ, không bỏ quên nguồn lực kinh tế biển của TP.HCM nhưng đồng thời cũng không đánh mất những giá trị bản địa, phủ nhận kết quả đề án "TP.HCM phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu” (Giai đoạn 1) hợp tác giữa TP.HCM và Thành phố Rotterdam (Hà Lan), trong đó đã pháp quy hóa định hướng chiến lược phát triển đô thị theo hướng Tây Bắc thích ứng với khí hậu hơn theo hướng Đông Nam…

Từ lời ngỏ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Người Đô Thị mở diễn đàn chuyên đề: "Cần Giờ trong tầm nhìn kinh tế biển”, giới thiệu các quan điểm và đề xuất của chuyên gia về mô hình phát triển phù hợp cho Cần Giờ, với những công cụ kiểm soát phát triển cần phải có.  

Để mở đầu, tòa soạn lược trích bài viết của TS-KTS. Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM) trình bày trong hội thảo: "TP.HCM – Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”, để bạn đọc cận cảnh định hướng tiến biển của TP.HCM.

Tựa dẫn nhập do tòa soạn đặt và minh định rõ: các bài viết giới thiệu trong diễn đàn này là quan điểm riêng của cá nhân hoặc nhóm chuyên gia, được đăng tải để thông tin đa chiều cho các trao đổi chuyên môn, không đồng thời là quan điểm của Người Đô Thị hay của đơn vị chuyên gia đang công tác. 

Người Đô Thị

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-1
Cầu Cần Giờ với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng nằm trong danh mục các dự án trọng điểm của TP.HCM, dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2026. Ảnh phối cảnh cầu Cần Giờ với thiết kế dây văng hình cây đước

Tích hợp nguồn lực trong phát triển bền vững không gian vùng Cần Giờ

Quy hoạch phát triển vùng Cần Giờ diễn ra trong quá trình điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM theo Luật Quy hoạch đô thị và lập quy hoạch thành phố theo Luật Quy hoạch. Không gian vùng Cần Giờ trước yêu cầu đối với việc bảo tồn và phát triển bền vững về hướng biển của khu vực đặc biệt này đặt ra yêu cầu về công cụ và mô hình quản lý phát triển phù hợp.

Trước bối cảnh biến đổi toàn diện và cạnh tranh sâu sắc toàn cầu hiện nay, cùng những thành tựu vượt bậc về phát triển công nghệ, bài toán phát triển Cần Giờ cần xem xét trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, trong không gian cơ hội và thách thức quốc tế hiện tại, bằng nội lực và khát vọng của quốc gia dân tộc hôm nay.

Những dấu ấn phát triển, những yếu tố rút ra từ lịch sử trong việc lựa chọn vị trí, tương quan vùng, tầm nhìn phát triển mở rộng của TP.HCM và vùng thành phố tận dụng địa hình tự nhiên vv… là cơ sở xây dựng tầm nhìn mới cho phát triển vùng Cần Giờ.

Dấu ấn phát triển

Vị trí địa lý của vùng Cần Giờ khá đặc biệt, đó là vùng cửa sông – vịnh biển, lại là "trạm trung chuyển” giữa hai miền lưu vực Vàm Cỏ – Đồng Nai. Mối quan hệ giao lưu rộng rãi của Cần Giờ như là một khu vực cảng, là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển của văn hoá Đồng Nai xưa, góp phần quan trọng vào quá trình hình thành văn minh Óc Eo từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Vương quốc Phù Nam - Đế quốc Biển cả: Theo tài liệu ghi chép cổ, Phù Nam là một quốc gia xuất hiện khoảng đầu Công nguyên, ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mekong. Quân Phù Nam biến 10 nước láng giềng thành thuộc địa, cho đóng thuyền lớn, cất quân đi thôn tính các quốc gia xung quanh. Lúc này, Phù Nam đã trở thành một đế quốc biển cả.

Do đặc tính hướng biển, những nơi mà Phù Nam nhòm ngó và xâm chiếm là những vùng đất ven biển, thuận lợi cho nông nghiệp trồng lúa nước và giao thương. Lãnh thổ Phù Nam mở rộng bao chiếm trọn vùng Nam Bộ Việt Nam, vùng Đông Nam Campuchia và bán đảo Malaysia ngày nay.

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-2
Không gian Phù Nam (Miriam Stark, 2006). Ảnh: TLTG

Di tích Giồng Cá Vồ hay sọ cổ được phát hiện ở Cần Giờ (Gò Cá Trăng), vương quốc Phù Nam, gồm khu vực TP.HCM và miền Đông Nam bộ, tiêu biểu cho các giá trị văn hoá thời tiền sử cũng như văn hoá tiền sử Đông Nam Á, là minh chứng cho một dấu ấn định cư người tiền sử.

Dấu ấn định cư cho thấy thành phố và vùng Cần Giờ đã từng là địa bàn của nền văn minh cổ thịnh vượng, tận dụng địa thế và thuận lợi trong giao thương đường thủy với Trung Hoa và các nước. Tồn tại trong thời đại giao thương quốc tế phát triển, Cần Giờ đã thu hút cả lớp dân cư thủ công làm nghề thủy tinh, gia công, chế tác đồ trang sức bằng đá, vỏ nhuyễn thể,... tới định cư và hành nghề tại đây.

Dấu ấn từ thế kỷ XVI, thành phố phát triển bên dòng sông: TP.HCM, tiền thân là Sài Gòn, được Nguyễn Hữu Cảnh khai phá vào những năm thế kỷ XVI, trải qua lịch sử hơn 300 năm xây dựng và phát triển, hình thành nên nền văn hóa đặc trưng ngày nay. Nền văn hóa, con người, cảnh quan kiến trúc, không gian đô thị của thành phố… do đó gắn liền với sự giao thoa của các vùng, miền và tính năng động trong các hoạt động kinh tế.

Quá trình hình thành và phát triển cho thấy với vị thế địa hình sông nước kết nối hài hòa, cùng với nhiều thuận lợi về khí hậu, môi trường sống, thuận lợi giao thương đã khiến thành phố trở thành một vùng giao thoa của nhiều nền kinh tế khác nhau, nơi tụ hội của các hoạt động giao thương, mua bán.

Do thuận lợi của giao thông đường bộ, giao thông thủy mất dần vị thế và không gian mặt nước sông nước, thậm chí bị quên lãng, là nơi xây dựng nhà lụp xụp của người nhập cư, xây nhà tạm cư trái phép trên lòng sông rạch. Tuy nhiên, giấc mơ tiến về hướng biển vẫn còn trong tâm thức con người, chờ đợi một thời điểm phù hợp trong tương lai phát triển.

Dấu ấn cuối thế kỷ XX – nỗ lực tiến về Biển Đông: TP.HCM những năm đầu đổi mới, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng có thể xem là một trường hợp điển hình trong phát triển một khu đô thị gắn với động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, đầu mối cảng và kết nối giao thông vùng.

Năm 1991, khi thành phố ký kết hợp tác với nước ngoài xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận đầu tiên của cả nước, ý tưởng xây dựng một con đường rộng lớn (nay là tuyến đường Nguyễn Văn Linh) nối liền Khu chế xuất Tân Thuận với Quốc lộ 1 được hình thành.

Ý tưởng, nội dung và biện pháp thực hiện đề án khu đô thị mới Nam Sài Gòn rộng 2.600ha là một sáng kiến mới của liên doanh với sự lãnh đạo của UBND TP.HCM:

"Đây cũng là bước đi cụ thể nhằm thực hiện ý tưởng phát triển TP.HCM hướng ra Biển Đông, là đề án quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả vùng đất Nhà Bè. Việc lựa chọn vị trí là hết sức quan trọng, sau khi nghiên cứu quá trình phát triển của cả vùng Sài gòn và Nam bộ xưa, các nhà nghiên cứu rút ra nhận thức rằng, các đô thị của vùng này khởi đầu đều nằm bên một dòng sông. Khi đô thị phát triển, hệ thống giao thông phải phát triển thích ứng.

Có thể Sài Gòn có sau Biên Hòa, Mỹ Tho, nhưng sông Sài Gòn có thể xây dựng được cảng nước sâu, cho phép tàu lớn cập bến, tạo nên thế mạnh cho Sài Gòn so với các đô thị khác. Do đó Sài Gòn có điều kiện phát triển hơn. Đây là một quy luật. Thành phố nhờ đầu mối giao thông mà phát triển lớn mạnh. Cảng lại nhờ thành phố phát triển mà tồn tại” (Phan Chánh Dưỡng, 2005).

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-3

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-4
Ông Lawrence Sting đang trình bày dự án phát triển thành phố hướng ra Biển Đông với Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Nguồn: Phan Chánh Dưỡng: TP.HCM 40 năm Phát triển, 2005)

Từ trường hợp Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho thấy, khi xây dựng một đô thị mới phải xác định những nội dung kinh tế xã hội của đô thị. Việc lấy ý kiến của doanh nghiệp và người dân vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp thấy được cơ hội đầu tư, vừa là công tác tiếp thị, thu hút cư dân đến sống.

Ngoài ra, tính nhất quán trong chính sách của nhà nước trong quy hoạch, tạo niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Những yếu tố trên có tính quyết định trong xây dựng thành công đô thị mới.

Nhu cầu một mô hình phát triển của thời đại

Quy hoạch chung TP.HCM phê duyệt năm 2010 đã đến giai đoạn cần điều chỉnh tổng thể. Ý tưởng quy hoạch phát triển Cần Giờ thực ra đã có từ giai đoạn trước với quy mô 600ha và được thể hiện trong đồ án Quy hoạch chung TP.HCM. Nỗ lực tiến về hướng biển nhiều năm sau vẫn chưa thành hiện thực.

Người dân huyện Cần Giờ vẫn cặm cụi với hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống, thu nhập thấp và đời sống khó khăn. Chương trình "Nông thôn mới" là nỗ lực phát triển nông thôn bền bỉ và toàn diện, nhưng vẫn chưa xuất hiện những cú hích mạnh mẽ, để khơi thông nguồn lực tiềm ẩn của vùng đất giàu tài nguyên sinh thái và nhân văn này.

Năm 2017, dự án phát triển khu đô thị 2.870ha ra hướng biển được đề xuất. Bài toán phát triển đô thị nhưng phải bảo tồn hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển được đặt ra, và rộng hơn là sự phát triển đồng bộ và toàn diện của vùng Cần Giờ, bao gồm yêu cầu bảo tồn sinh thái, chuyển đổi cơ cấu kinh tế toàn diện, bao gồm sinh kế người dân và xây dựng đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng.

Hai cuộc hội thảo được tổ chức nhằm nghiên cứu toàn diện hơn luận đề phát triển kinh tế biển và phát triển đô thị biển, nhằm chuẩn bị cho cuộc thi quốc tế về ý tưởng quy hoạch vùng Cần Giờ.

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-5
Vị trí dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870ha nằm trên bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ (TP.HCM). Khoảng cách từ khu vực thực hiện dự án đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là 18km, nằm kế cận vùng chuyển tiếp... Ảnh: Quỳnh Danh

Năm 2018, cuộc thi quốc tế về quy hoạch phát triển Cần Giờ được diễn ra. Ý tưởng quy hoạch của tư vấn Nikken Sekkei đoạt giải đề xuất 3 chiến lược phát triển Cần Giờ. Theo đó, ý tưởng phát triển Cần Giờ là một bảo tàng sinh thái sống được cụ thể hóa bằng 3 chiến lược chính:

+ Học tập trong đời sống và du lịch

+ Cộng sinh

+ RE100 - Đô thị tự cung tự cấp

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-6
Các nguồn động lực kinh tế địa phương huyện Cần Giờ dựa vào nông nghiệp truyền thống, văn hóa nuôi trồng, đánh bắt (nguồn: Nikken Sekei 2017)

Với dân số đề xuất khoảng 600.000 người, một số câu hỏi đặt ra cho bài toán phát triển bền vững. Triết lý cộng sinh và quan điểm phát triển dựa trên giá trị, nguồn lực và tiềm năng phát triển cần được tham chiếu đến những giá trị của hệ thống cảnh quan văn hóa của vùng Cần Giờ.

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-7
Các hoạt động nông ngư nghiệp và lễ hội Nghinh Ông truyền thống của cư dân Cần Giờ (nguồn: Nikken Sekkei 2017)

Chuyển đổi và kết nối vùng

Cơ hội từ chuyển đổi số và tiềm lực liên kết vùng: Liên kết vùng là yếu tố quan trọng đối với động lực và nguồn lực đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của công nghệ cho thấy nhu cầu ăn ở, đi lại đang thay đổi, từ đó dẫn đến thói quen và sự phối hợp làm việc.

Chia sẻ cơ sở dữ liệu cho phép hiểu rõ mối quan hệ không gian của những yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường vùng, hỗ trợ quá trình phối hợp ra quyết định trong quá trình quản lý. Qua phân tích công cụ nguồn lực cho thấy yếu tố văn hóa, con người là một thành tố quan trọng đối với chiến lược đô thị hóa. Lịch sử định cư cho thấy những lý do phát triển kinh tế biển từ rất sớm cách đây hơn 1.000 người/năm.

Đánh giá về chính sách vĩ mô, định hướng, mục tiêu đô thị hóa và phát triển đô thị phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Để đảm bảo thực hiện định hướng này, cần đặt mạnh vấn đề khai thác nguồn lực từ lợi thế phát triển ở các thành phố lớn, tránh dàn trải nguồn lực quốc gia.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank 2011), "…Vận tải liên đô thị khẳng định vai trò chi phối của hai vùng đô thị Hà Nội và TP.HCM, tuy nhiên hai vùng này đang bị hạn chế ưu thế cạnh tranh do những trở ngại trong ngành hậu cần và chi phí vận tải cao”.

Lịch sử phát triển và tiến biển của vùng Đông Nam bộ cho thấy lợi thế về vị trí và mối quan hệ với điều kiện tài nguyên biển và sông nước. Xét trong bối cảnh vùng, việc tận dụng thế mạnh của từng địa phương và kết nối nhằm phối hợp nguồn lực hợp lý, lợi thế vùng của thành phố sẽ được phát huy, đồng thời các địa phương trong vùng cũng được hưởng lợi từ lợi thế vùng.

Xu thế chuyển đổi và tiến bộ của khoa học công nghệ, các hình thức phương tiện di chuyển hiện đại và phối hợp giao thông đa phương thức càng trở nên thuận lợi.

Yếu tố này cho phép vùng thành phố có thể tận dụng lợi thế từ hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, nhằm phát triển hệ thống hạ tầng dịch vụ thông minh, đa phương thức và nhiều lựa chọn linh hoạt theo điều kiện hoàn cảnh thực tiễn ở từng thời điểm cụ thể, giảm thiểu thời gian và chi phí di chuyển, vận chuyển.

Trong điều kiện hạn chế về nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và những vấn đề thực trạng của hệ thống giao thông vận tải vùng, xu thế chuyển đổi nêu trên và lợi thế vùng sông nước (bao gồm lợi thế vùng không gian biển) cần được xem xét như một yếu tố đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển TP.HCM và vùng thành phố khi xây dựng các chương trình, giải pháp, dự án chiến lược của từng địa phương trong vùng.

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-8
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ nhìn từ hướng cầu Dần Xây. Ảnh: CTV

Động lực từ những mô hình phát triển mới: Tầm nhìn phát triển và các mô hình phát triển phù hợp cuộc cách mạng 4.0 tạo những động lực phát triển mới cho TP.HCM và vùng thành phố như: chuyển đổi số và mô hình thành phố thông minh; Thành phố Thủ Đức và đô thị sáng tạo; phát triển kinh tế biển và tầm nhìn chuỗi đô thị quốc tế là những định hướng tạo động lực phát triển và gắn kết nguồn lực trong định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM.

Việc gắn kết các định hướng này cho thấy cơ hội phát triển những mô hình kinh tế mới của thời đại, nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững: kinh tế phát triển từ nội lực kiến tạo, gắn kết hài hòa với những hệ giá trị của môi trường sinh thái tự nhiên và xã hội.

Quản lý các nguồn lực phát triển

Chiến lược cộng sinh

Quan điểm: Phát triển dựa trên giá trị, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Phát huy lợi thế của cách mạng khoa học công nghệ.

Chiến lược: Chương trình và kế hoạch cụ thể, dựa trên cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu tích hợp.

Phương pháp: Áp dụng phương pháp quy hoạch phát triển chiến lược (CDS) cho bước xác định chủ thể quản lý và cơ chế điều phối các nguồn lực. Cơ sở dữ liệu tích hợp và cơ chế phối hợp vùng.

Nguồn lực tự nhiên

Vị thế và nguồn lực từ đất đai, nơi sinh trưởng của các hệ sinh thái tự nhiên và kinh tế - xã hội địa phương, cùng tồn tại và phát triển với bản chất cộng sinh. Vùng Cần Giờ tồn tại trong môi trường và không gian kinh tế biển, là thế mạnh cho vùng thành phố trong mối quan hệ giao thương hàng hải quốc tế.

Cần Giờ còn được quan tâm sát sao của các tổ chức môi trường trong nước và quốc tế với môi trường rừng và đa dạng sinh học. Thực tế, rừng Cần Giờ là rừng trồng, sau những năm rừng bị tàn phá bằng vũ khí chất độc hóa học.

Nguồn lực nhân văn

Cần Giờ sở hữu tài sản di sản quan trọng như lễ hội Nghinh Ông, một lễ hội đặc trưng cho tập quản của ngư dân Việt Nam. Các địa điểm di sản văn hóa lịch sử như (di tích Giồng Cá Vồ, chiến khu rừng Sác vv…) là các tài nguyên du lịch quan trọng, góp phần định hình nền tảng văn hóa và tính đặc trưng của nơi chốn.

Nguồn nhân lực Cần Giờ có khả năng tiếp cận nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao từ TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ, cùng văn hóa năng động sáng tạo và tinh thần đổi mới, tiên phong trong phát triển kinh tế.

Văn hóa nông nghiệp tại địa phương Cần Giờ cũng là điểm son cần quan tâm và có chính sách khuyến khích duy trì và phát triển. Chính sách quản lý phù hợp có khả năng hạn chế giảm thiểu những tác động của kinh tế thị trường.

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-9
Nghề làm muối ở ấp Thiềng Liềng, thuộc huyện Cần Giờ. Ảnh: Hữu Khoa

Nguồn lực thể chế - chính sách

Những nỗ lực hiện nay từ phía tư nhân và nhà nước: Xúc tiến đầu tư Khu đô thị biển Cần giờ là đô thị dịch vụ, nghỉ dưỡng quốc tế. Chương trình xây dựng "Nông thôn mới" thể hiện nỗ lực quản lý phát triển toàn diện các tiêu chí phát triển bền vững cho huyện Cần Giờ.

Các đề án, chương trình phát triển của thành phố về cơ sở hạ tầng dịch vụ, công nghiệp, công nghiệp văn hóa, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Các dự án đầu tư cầu cảng, kho bãi phục vụ hậu cần vận chuyển. Tích hợp khung quản lý phát triển tổng hợp, ứng dụng công nghệ quản lý phát triển không gian, với số liệu kinh tế - xã hội toàn diện.

Vận dụng phương pháp phân tích SWOT nhằm đánh giá nguồn lực trong quy trình lập chiến lược phát triển đô thị, với những yếu tố cơ bản về điều kiện và tiềm năng của Cần Giờ, đề xuất ma trận chiến lược quản lý vùng Cần Giờ, như dưới đây:

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-10
dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-11
Mô tả phân tích SWOT theo ma trận nguồn lực và chính sách tương ứng theo quy trình CDS lập chiến lược phát triển đô thị (nguồn: Tác giả, 2021)

Để tránh tình trạng các nguồn lực đầu tư phát triển Cần Giờ và vùng Cần Giờ còn tản mác, thiếu phối hợp nhịp nhàng một cách có chiến lược và trực tiếp giữa các bên liên quan, cần có chiến lược áp dụng những chính sách và giải pháp hợp lý, đồng bộ.

Quản lý phát triển

Hợp tác kiến tạo: Mô hình quản lý phát triển vùng không chỉ dừng lại ở chức năng quản lý hành chính mà còn thể hiện vai trò quản lý phát triển, trong đó nhà nước nắm giữ và điều phối nguồn lực công, tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực khác phát huy, cùng chủ động kiến tạo sự phát triển.

Khối tư nhân, với kỹ năng phát triển dự án chuyên sâu, cùng sự năng động trong nắm bắt xu thế, marketing và nhạy bén trước những yếu tố thị trường, sẽ phát huy thế mạnh trong quản lý. Những bài học thành công và thất bại từ những trường hợp của Khu đô thị Phú mỹ Hưng, Khu đô thị Tây Bắc và Khu đô thị Thủ Thiêm, cho thấy cần có đổi mới, đột phá trong áp dụng mô hình quản lý phát triển đô thị cho vùng Cần Giờ.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cần được xem xét như một trường hợp kiểm chứng trên thực tiễn về mô hình quản lý tổ chức thực hiện, bài học từ các khu vực đã hình thành tốt và cả những khu vực còn dự án treo, chưa hình thành.

So với mô hình Ban quản lý do nhà nước thành lập và triển khai, điểm khác biệt là tính hợp tác công tư trong tổ chức và vận hành bộ máy quản lý phát triển dự án, tạo và nâng cao giá trị quỹ đất dựa trên cơ chế thị trường, gắn kết chức năng kinh tế đô thị với xây dựng cơ sở hạ tầng theo phân kỳ, đầu tư phục vụ sản xuất, phân phối một cách có chiến lược, tạo việc làm, thu nhập và doanh thu cho doanh nghiệp và nhà nước, hình thành các khu đô thị đáng sống, thu hút cư dân và chuyên gia.

Mô hình kinh doanh và mô hình quản trị theo hướng khai thác thế mạnh từ sự hợp tác là yếu tố sống còn để hệ thống vận hành có hiệu quả. Bài học thành công của thành phố mới ở nhiều trường hợp thành công trên thế giới cho thấy mô hình phối hợp, khai thác thế mạnh từ khối tư nhân và nhà nước trong tổ chức và quản lý nguồn lực hiệu quả.


dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-12
Mô hình kiến tạo tổ chức quản lý phát triển vùng Cần Giờ (nguồn: Tác giả, 2021)

Nhìn chung, các mô hình phát triển hợp tác và đồng thuận cần được lựa chọn phù hợp. Tính hợp lý của giải pháp một phần nằm ở khả năng phối hợp và đồng thuận của nhiều bên tham gia nhằm đẩy nhanh tốc độ đầu tư và tối ưu hóa năng lực của các đối tác.

Các khu vực phát triển tập trung cần phát triển theo mô hình dự án "một chủ” và trao quyền cho đối tác có năng lực (có thể là tư nhân) điều hành, cùng với củng cố chức năng cơ quan đại diện cho quyền lực Nhà nước để hỗ trợ dự án trong điều phối huy động vốn, quản lý vốn, và thực thi quyền lực Nhà nước trong ràng buộc các bên đóng góp nghĩa vụ theo mức độ hưởng lợi.

Mô hình quản lý tích hợp cho quản lý phát triển vùng Cần Giờ đề xuất theo nguyên tắc trên. Yếu tố căn bản của hợp tác công tư PPP và trao quyền hợp lý cho đối tác có năng lực cũng đã chứng minh là phù hợp thực tiễn trong quá trình triển khai tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, yếu tố phối hợp quản lý ở phạm vi rộng hơn, bao gồm khu dân cư hiện hữu là điều cần khắc phục trong mô hình quản lý mới, đảm bảo hài hòa, bổ trợ lẫn nhau giữa phát triển mới và cải tạo chỉnh trang khu vực hiện hữu.

Chủ động, phối hợp kết nối phát triển vùng: Đối chiếu với đặc điểm về địa lý kinh tế và các nguồn lực đầu tư phát triển, vùng Cần Giờ có mối quan hệ với vùng huyện, có liên quan các tỉnh lân cận, do đó cần sự chủ động kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, trong phối hợp quản lý năng động và hiệu quả hơn.

Một trong 4 chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025/2030 là mô hình Đổi mới quản lý TP.HCM, gồm 14 đề án chương trình thành phần, có thể tham khảo vận dụng mô hình này nhằm tạo bước đột phá trong phát triển vùng Cần Giờ nói riêng và vùng thành phố nói chung.

dien-dan-chuyen-gia-can-gio-trong-tam-nhin-kinh-te-bien-13
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ có 5 phân khu, với chức năng du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, đô thị thông minh, nhà ở, khách sạn... Ảnh: Quỳnh Danh

Hỗ trợ từ Trung ương: Trung ương cần tạo điều kiện để TP.HCM và vùng thành phố vượt qua các rào cản về pháp lý, thể chế, để tổ chức bộ máy quản lý phù hợp với mô hình quản trị theo hướng hợp tác. Song song với khu vực phát triển mới, các khu vực hiện hữu tại Cần Giờ cần có chiến lược cải tạo đồng bộ và từng bước nâng cao giá trị. Nguồn lực và hiệu quả từ phát triển mới cần có cơ chế quay lại đầu tư cho khu vực hiện hữu, nhằm bổ sung giá trị, gia tăng sự đa dạng và tính hấp dẫn văn hóa và không gian tổng thể.

Việc cải tạo quy mô nhỏ hơn cần sử dụng các tổ chức trung gian chuyên nghiệp hiệu quả để đẩy nhanh tốc độ thương lượng, giảm chi phí đền bù thông qua các công cụ phù hợp như chuyển nhượng quyền phát triển kết hợp với tái điều chỉnh đất đai. Cách làm này không chỉ hiệu quả về mặt tài chính mà còn khai thác được nguồn vốn xã hội một cách sáng tạo để vượt qua rào cản về giá đất cao ở khu vực trung tâm.

Chuyển đổi, nâng chất khung pháp lý và thể chế: Điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới hướng đến cải tiến công cụ quản lý theo chỉ tiêu và bản vẽ; rút kinh nghiệm từ những bất cập ràng buộc, tính khô cứng trong cách quản lý theo nguyến tắc chỉ tiêu, nội dung quản lý sẽ chuyển dần sang gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững.

Về tổ chức bộ máy, hệ thống quản trị cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, đẩy mạnh trao quyền, thúc đẩy sự tham gia và xây dựng mô hình quản lý phát triển và đồng kiến tạo dựa trên nguyên tắc phối hợp chia sẻ, với những công nghệ ứng dụng và tích hợp cơ sở dữ liệu quản lý, nhằm phân tích kỹ và chuẩn bị tổ chức quản lý sử dụng, vận động, phát huy hiệu quả nhất mọi nguồn lực cho phát triển.

Các vấn đề trên đều cần sự quyết tâm của lãnh đạo để xây dựng và thực thi tầm nhìn của thành phố để chuyển đổi mạnh mẽ mô hình quản lý phát triển, đẩy mạnh kinh tế dịch vụ, đổi mới sáng tạo, và duy trì tính cạnh tranh, tăng tính hấp dẫn của đô thị và vùng đô thị.

Đổi mới về cách nghĩ và cách làm luôn đối mặt thách thức, xong TP.HCM từ trước tới nay đã chứng tỏ khả năng tiên phong, đột phá sáng tạo, dám nghĩ dám làm, luôn phát triển cùng xu thế thời đại.


TS-KTS. Nguyễn Anh Tuấn
(Trưởng phòng quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM)

Theo Người Đô Thị

Tags Cần Giờ Diễn đàn chuyên gia tầm nhìn kinh tế biển TP.HCM biến đổi khí hậu

Các tin khác

Hội nghị Nước năm 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra ở Mỹ, trùng thời điểm với Ngày Nước thế giới 22/3 là cơ hội để thế giới tăng cường hành động thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Sáng 7/3, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Công an nhân dân năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục