Lợi ích từ phân loại rác thải

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/8/2024 | 8:53:15 AM

Giảm áp lực xử lý lượng lớn rác thải mỗi ngày, tiết kiệm nguồn tài nguyên, xây dựng môi trường sống trong sạch và bền vững.

Tháng 11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, nhưng việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và giá dịch vụ thu gom rác sinh hoạt được kéo dài đến cuối năm 2024. Tuy nhiên, qua gần 3 năm, việc phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, nhận thức người dân chưa cao, mặc dù việc phân loại rác vừa là chấp hành quy định pháp luật, vừa đem lại lợi ích không nhỏ cho gia đình, cộng đồng dân cư và tiến tới xây dựng xã hội văn minh.

Cụ thể như mô hình "Biến rác thải thành vốn”, "Quỹ học bổng 20 tháng 10” của các chi hội phụ nữ ở huyện Trần Văn Thời. Không chỉ động viên nhau thay đổi thói quen vứt bỏ rác thải nhựa mà chị em còn hỗ trợ nhau làm kinh tế từ nguồn chất thải này. Nhiều năm qua, từ việc thu gom rác thải nhựa, tận dụng những thứ có thể tái chế được dùng làm ra sản phẩm để bán, các loại không tái chế được thì bán phế liệu... Phụ nữ ở huyện Trần Văn Thời giúp đỡ nhau gần 400 triệu đồng đầu tư chăn nuôi, mua bán nhỏ... để cải thiện kinh tế gia đình, cùng vươn lên thoát nghèo.

Cũng từ nguồn kinh phí bán rác thải, các chi hội phụ nữ tích cực đóng góp xây dựng quỹ học bổng để ủng hộ, động viên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Từ năm 2021 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trần Văn Thời trao hơn 760 suất học bổng, với số tiền trên 380 triệu đồng.


Mô hình "Biến rác thải thành vốn” đang được phổ biến, nhân rộng trên địa bàn huyện Trần Văn Thời

Song, ở các khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư, phần đông người dân vẫn còn quan điểm cho rằng việc xử lý, phân loại rác thải là do nhân viên thu gom vệ sinh, của cơ quan quản lý môi trường... nên chưa ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Rác vứt lung tung hoặc dồn chung trong túi ni-lông cho vào thùng rác để nhân viên thu gom mang đi. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường (trong đó có quy định phân loại rác thải tại nguồn), cũng như việc kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi xả chất thải không đúng quy định, chưa được các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nên chưa thực sự giáo dục, răn đe để phát huy hiệu quả toàn xã hội.

Ðảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tiễn đời sống khi việc phân loại rác tại nguồn được bắt buộc thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau đã triển khai hướng dẫn phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, với 3 nhóm chính gồm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện hướng dẫn nói trên đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình quản lý để biết và thực hiện. Ðồng thời, vận động, tuyên truyền gia đình, người thân, người dân nơi cư trú cùng tham gia thực hiện.

Thiết nghĩ, phân loại rác thải tại nguồn là bước quan trọng nhằm giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen ý thức thì không thể thực hiện ngay, ở một thời điểm nhất định. Vì vậy, không giới hạn nơi công sở, cơ quan Nhà nước, hay cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, mà công tác tuyên truyền cần được phổ biến sâu rộng trong quần chúng Nhân dân, với đa dạng hình thức.

Có thể bước đầu, mỗi địa phương nên thành lập tổ tuyên truyền viên gắn với hướng dẫn, động viên người dân thực hiện phân loại rác thải, từng bước nâng cao ý thức cộng đồng xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần tính toán trang bị thùng đựng rác phục vụ phân loại tại hộ dân, cũng như phương tiện chuyên dụng vận chuyển rác sau khi phân loại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật xử lý theo nguồn khi rác được thu gom.

Nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt gồm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thuỷ tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ). Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ... thải bỏ sau sơ chế, sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm...). Chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; vỏ các loại hạt, xác động vật, giày dép nhựa, sành, gốm thải...).

Theo baocamau.vn

Tags Cà Mau phân loại rác mô hình hội phụ nữ thoát nghèo

Các tin khác

Từ năm 2019 đến nay, phong trào "Chống rác thải nhựa" tại Nam Định đã được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Rất nhiều địa phương trên cả nước "kêu khó" sau khi thí điểm trong phân loại rác tại nguồn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục