Bắc Giang ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 7/9/2024 | 11:35:56 AM

QLMT - Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn ở đô thị đạt tỷ lệ 90%, ở xã đạt tỷ lệ 70%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định tại đô thị đạt trên 98%, tại nông thôn đạt trên 90%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt trên 98%.


Hội viên phụ nữ huyện Yên Dũng phân loại, xử lý rác là chất thải từ thực phẩm để làm phân bón

Để đảm bảo mục tiêu đề ra, Kế hoạch tập trung triển khai các nội dung liên quan đến phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành các nhóm bao gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh, chất thải nguy hại…

Tại khu vực công cộng, điểm tập trung dân cư, trên các tuyến đường các địa phương bố trí các thùng rác sinh hoạt có phân biệt màu (màu cam chứa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; màu xanh chứa chất thải thực phẩm; màu vàng đựng chất thải sinh hoạt khác). Trên thân thùng được in hình ảnh, ký hiệu hướng dẫn phân loại. Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ, đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị.

Tại văn phòng, trụ sở các cơ quan, đơn vị trang bị các thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt để phân loại thành 03 loại gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt còn lại. Trên thân thùng được in hình ảnh, ký hiệu hướng dẫn phân loại.

UBND cấp huyện căn cứ vào điều kiện, nguồn lực thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phải được thực hiện riêng biệt theo tính chất của từng loại chất thải đã được phân loại nhằm đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, đối với các địa phương có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn sau phân loại được thu gom, vận chuyển về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt để xử lý, tái chế theo tính chất của từng loại chất thải sau phân loại.

Đối với các địa phương còn lại chưa có điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND cấp xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể hướng dẫn người dân sử dụng chất thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ cải tạo đất. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế. Đối với các loại chất thải rắn sinh hoạt còn lại được thu gom, vận chuyển về khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của địa phương để xử lý…

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường  tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.

Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện để tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

MINH NGỌC

Tags Bắc Giang phân loại chất thải chất thải rắn sinh hoạt

Các tin khác

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Rất nhiều địa phương trên cả nước "kêu khó" sau khi thí điểm trong phân loại rác tại nguồn.

Nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác là rác tái chế, góp phần giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Theo UBND huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đến nay có 82 cơ quan, trường học tham gia thực hiện với khối lượng rác được thu gom gần 25 ngàn tấn/tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự