Quy định này được nêu trong dự thảo Thông tư Quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến. Dù ủng hộ việc phân loại rác tại nguồn nhưng nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc từ chối thu gom, liệu có khiến nạn vứt rác trộm, bừa bãi gia tăng?
Việc thực thi quy định này liệu có gặp khó và cần chế tài nào để đảm bảo tính khả thi? Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đối thoại với TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Đại học Tài Nguyên và Môi trường.
Ảnh minh hoạ
PV: Thưa ông, khi quy định từ chối thu gom rác sinh hoạt chưa phân loại được áp dụng sẽ có ý nghĩa ra sao?
TS Vũ Thanh Ca: Đây là quy định rất cần thiết và là một trong những quy định đầu tiên để triển khai thực hiện việc phân loại rác. Việc từ chối thu gom rác sinh hoạt nếu như người dân chưa phân loại rác là quy định cực kỳ quan trọng.
Bởi nếu không phân loại rác tại nguồn thì không thể nào áp dụng được những phương pháp phân loại rác tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dụng rác như một nguồn tài nguyên để có thể tạo nên nền kinh tế liên quan tới chất thải một cách tuần hoàn và bền vững.
PV: Nhưng nhiều ý khiến băn khoăn là trong trường hợp bị từ chối thu gom thì liệu rác thải này có bị vứt bừa bãi; hoặc với những chung cư cũ bỏ rác theo ống máng trượt từ tầng cao xuống hầm chứa rác thì sẽ phân loại thế nào. Ông có ý kiến gì về điều này?
TS Vũ Thanh Ca: Với hộ dân, cần giám sát việc này, những hộ dân nào không phân loại rác tại nguồn thì có thể đem trả lại rác, kèm theo đó là một khoản tiền phạt để bù đắp cho công của công nhân vệ sinh khi phải trả lại cái rác này, trong một số trường hợp thì công bố lên tổ dân phố để tạo áp lực, bắt buộc người dân phải phân loại rác.
Còn đối với chung cư thì có ban quản lý chung cư, họ phải tuyên truyền, vận động và cùng người dân ra quyết định, nếu rác không được phân loại thì trả lại ban quản lý chung cư và nếu một người không phân loại rác sẽ ảnh hưởng tới cả chung cư nên nó sẽ tạo nên áp lực cho chung cư phải thực hiện.
PV: Kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này ra sao, thưa ông?
TS Vũ Thanh Ca: Hầu hết các nước phát triển thế giới đều đã yêu cầu phân loại rác thải tại nguồn.
Như Nhật Bản tiếp cận vấn đề này từ cộng đồng, có hệ thống camera, có người dân giám sát, nếu tìm thấy người vứt rác chưa phân loại và không đúng lịch thì họ đem lại đặt trước cửa gia đình đã vứt rác không đúng quy định.
Còn Hàn Quốc thì có quy định chặt chẽ và mức phạt rất nặng, tùy mức độ vi phạm mà phạt từ 4-20 triệu đồng. Mỗi nước có quy định cụ thể nhưng đều hướng tới việc phân loại rác thải để xử lý triệt để rác và tận dụng rác thải như một nguồn tài nguyên.
PV: Vậy, để thực hiện quy định không phân loại rác thải sẽ bị từ chối thu gom, thì cần những chế tài ra sao để đảm bảo tính khả thi?
TS Vũ Thanh Ca: Điều đầu tiên là phải có hướng dẫn cụ thể phân loại như thế nào và thông tin này phải tới tất cả mọi người dân, đồng thời có chương trình tuyên truyền, vận động người dân để có được người dân tham gia. Thứ 2 là phải có hạ tầng tốt chứ phân loại tại nguồn nhưng thu gom chung thì không có ý nghĩa gì.
Hiện nay chúng ta chưa có phương tiện vận chuyển để loại rác đã phân loại và phải có lịch thu gom. Chúng ta phải có những chế tài mạnh, phải xây dựng những quy định pháp luật để thống nhất quy định toàn diện và đầy đủ để thực hiện vấn đề này. Nếu chúng ta không bắt đầu ngay từ bây giờ và làm quyết liệt thì sẽ rất khó khăn để có được một kết quả tốt.
PV: Xin được cảm ơn ông!
Theo VOV