Thực tế cho thấy, rác thải không phải là "thứ bỏ đi”, trên thế giới và nhiều địa phương ở nước ta đã có các nhà máy, cơ sở sản xuất chuyên "biến” rác thải thành phân bón phục vụ hữu ích cho sản xuất nông nghiệp hay nhựa tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, sản xuất ra nguồn năng lượng hữu ích cho cuộc sống.
Những chai nhựa PET có thể tái chế thành sợi vải và nhiều sản phẩm khác. Ảnh: ITN
Theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi năm trên Trái đất sẽ có khoảng 11 tỷ tấn chất thải rắn được tạo ra, đóng góp vào khoảng 5% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Chúng làm giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt.
Những lợi ích của việc tái chế rác thải đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng có xu hướng coi rác thải là nguồn tài nguyên quý giá. Việc phân loại rác ngày càng được chú trọng, cùng với các quy trình tái chế rác được nâng cao đã và đang mang đến những nhận thức mới về rác thải.
Điển hình như tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất-UAE), rất nhiều công ty tái chế rác thải ăn nên làm ra nhờ có quy trình tái chế rác tiên tiến. "Rác thải của người này nhưng lại là gia tài của người khác" đang là triết lý được những công ty như Dgrade theo đuổi. Những chai lọ nhựa bị vứt bỏ được công ty thu gom, làm sạch rồi xén nhỏ để tạo ra sợi.
Từ đó, hơn 200 loại vải khác nhau đã được tạo ra, mở ra một ngành thời trang từ rác thải nhựa. Mỗi tháng, công ty thời trang rác thải nhựa Dgrade có thể tái chế 60 triệu chai nhựa thành quần áo, từ áo phông đến áo khoác, mũ lưỡi trai đến khẩu trang. Chúng được may từ các loại vải chất lượng cao làm từ chai nhựa tái chế thay thế vải polyester truyền thống.
Hay như công ty Neutral Fields ở Dubai là công ty tiên phong trong lĩnh vực sử dụng nhiên liệu sinh học được làm từ dầu ăn đã qua sử dụng với mục tiêu góp phần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Động cơ chạy bằng dầu tái chế từ dầu ăn tạo khí thải chỉ bằng một nửa các loại xăng, dầu thông thường. Với giá xăng, dầu hiện nay, dầu tái chế có tính cạnh tranh rất cao. Điều này góp phần giúp Neutral Fields gặt hái không ít thành công.
Đó là điển hình một vài doanh nghiệp tái chế trên thế giới. Còn quay lại với Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có lượng rác thải hàng đầu thế giới và là nước đứng thứ tư thế giới về lượng rác thải rắn xả ra môi trường, ước tính lên tới 1,8 triệu tấn mỗi năm. Không những thế, Việt Nam lại còn là quốc gia nhập khẩu phế liệu đứng thứ hai thế giới với hàng triệu tấn phế liệu các loại mỗi năm.
Từ những con số thống kê nêu trên có thể nêu câu hỏi: Tại sao một quốc gia có lượng rác thải rắn đứng hàng đầu thế giới lại phải nhập khẩu một lượng lớn phế liệu như vậy? Đây có phải là một vấn đề chưa hợp lý? Và một điều rất đáng phải suy ngẫm là: Vì sao trên dải đất trải dài hàng nghìn km từ Bắc vào Nam này có tới hàng nghìn làng nghề tái chế nhưng ngành công nghiệp tái chế vẫn chưa phát triển?
Về tổng quan ngành tái chế rác thải Việt Nam hiện nay, thì tình hình thu gom, tái chế phế liệu hầu hết được thực hiện bởi lực lượng phi chính thức. Tái chế không đảm bảo vệ sinh môi trường do chưa có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ngành công nghiệp tái chế đã hình thành hơn 40 năm ở Việt Nam với hàng triệu người làm việc trong lĩnh vực thu gom, tái chế rác thải, nhưng chỉ mới ở quy mô làng nghề, hộ sản xuất, chưa hình thành được những trung tâm công nghiệp tái chế có công suất lớn, công nghệ hiện đại. Công nghê, thiết bị tái chế còn giản đơn, chất lượng thấp, chưa đồng đều về chất lượng, quy mô cho đến chủng loại.
Còn những doanh nghiệp đầu tư bài bản về môi trường thì không cạnh tranh được với lực lượng phi chính thức. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tái chế chưa sẵn sang thay đổi công nghệ để có thể sử dụng tốt hơn nguồn nguyên liệu từ "rác”.
Hơn nữa, tái chế với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là một bài toán khó và cái khó lớn nhất nằm ở khâu phân loại. Ví dụ, chỉ tính riêng nhựa đã có hàng trăm loại sản phẩm khác nhau. Do vậy, khâu đầu tiên và quan trọng nhất để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa phế thải quay trở lại phục vụ đời sống, bảo đảm nguyên liệu "đầu vào” cho ngành công nghiệp tái chế là thực hiện hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn.
Ngoài ra, hiện nay một trong những phương pháp xử lý rác ở nước ta là chôn lấp. Công nghệ này có ưu điểm là thuận lợi, không phức tạp nhưng làm được không phải đơn giản vì muốn đảm bảo an toàn môi trường. Công nghệ chôn lấp phải có lớp lót, các lớp chôn phải được phủ vôi bột hoặc lớp đất. Nước rác phải được thu gom tập trung để xử lý trước khi thải ra môi trường. Khí gas do rác phân hủy tạo ra cũng phải được thu gom tập trung để đốt phát điện hay dùng cho nhiều vấn đề khác để giải quyết năng lượng.
Nhưng trên thực tế, các bãi rác gọi là "chôn hợp vệ sinh” của chúng ta không đạt được yêu cầu kỹ thuật nên người dân nơi nào cũng e ngại tiếp nhận bãi rác về địa phương mình. Vì họ cho rằng rác đến đâu thì ruồi muỗi, mùi hôi thối và bụi bặm theo đến đó.
95% lượng rác thải sinh hoạt tại Hà Nội vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Ảnh: ITN
Hiện nay Bộ TN&MT cùng các cơ quan, ban ngành có chức năng thẩm quyền cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, họp báo… lấy ý kiến, kiến nghị nhằm đưa ra những giải pháp, quy chế, chính sách để thúc đẩy nhanh và hiệu quả "kinh tế tuần hoàn - biến rác thành tài nguyên”. Khắc phục tình trạng rác là tài nguyên để sai chỗ.
Một số giải pháp được đặt ra như xây dựng quy hoạch khu công nghiệp tái chế tại các vùng liên tỉnh. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ tái chế cho các hộ tái chế. Bên cạnh đó xây dựng chính sách ưu đãi thuế cho ngành thu gom tái chế...
Tiến sỹ Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) cho biết, Dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 hướng đến mục tiêu chung nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý rác thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...
Có thể thấy, cùng một loại chất thải, nếu được xử lý đúng cách, chúng có thể mang lại nguồn lợi cho con người, ngược lại, nếu không được xử lý tốt, chúng sẽ khiến môi trường ngày càng ô nhiễm, đe dọa đến cuộc sống của con người và hệ sinh thái trên Trái đất. Tăng trưởng dân số khiến cho rác thải, đặc biệt là những rác thải khó phân hủy trở thành gánh nặng với hầu hết mọi xã hội. Biến rác thải thành tài nguyên vì thế không chỉ mở ra một lối đi nhiều hứa hẹn mà còn là một đường hướng không thể khác đối với sự phát triển của các xã hội trong tương lai.
THUÝ HIỀN