Văn hóa phân loại rác thải sinh hoạt của người Nhật

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/1/2021 | 4:26:42 PM

QLMT - Mỗi địa phương có cách phân loại rác khác nhau nhưng về cơ bản rác thải sinh hoạt tại Nhật được chia thành 4 loại chính: rác đốt được, rác không đốt được, rác nguyên liệu và rác thải cỡ lớn.

Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia xử lý rác thải hiệu quả nhất thế giới, cùng với việc "phân loại rác” chi tiết và tỉ mỉ từ các hộ gia đình. Công việc này tưởng như đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trong chuỗi hệ thống xử lý rác.

van-hoa-phan-loai-rac-thai-sinh-hoat-cua-nguoi-nhat-1
Các thùng đựng rác thải phân loại tại Nhật Bản. Ảnh: Taiken.co

Hiện tại, công tác xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhật Bản được quản lý theo cấp độ địa phương (quận/ huyện). Khi đến Nhật sinh sống, điều đầu tiên bạn sẽ được phổ biến là những quy định về cách thức phân loại và thu gom rác. Những thông tin này sẽ được gửi kèm khi làm thủ tục đăng ký nơi cư trú hoặc nhiều nơi sẽ dán trực tiếp các bảng hướng dẫn có hình ảnh chi tiết ngay khu vực tập kết rác để mọi người biết và thực hiện.

Mỗi địa phương có cách phân loại rác khác nhau nhưng về cơ bản rác thải sinh hoạt tại Nhật được chia thành 4 loại chính: rác đốt được, rác không đốt được, rác nguyên liệu và rác thải cỡ lớn.

Loại rác phổ biến và được thải ra hàng ngày nhiều nhất là rác đốt được, thường là rác thải từ nhà bếp, vụn giấy, quần áo cũ, lá cây... mỗi loại này sẽ được thu gom theo từng túi nilong riêng, sau đó được buộc vào 1 túi chung. Loại rác này thường được thu gom với tần suất hai lần một tuần.

Rác không đốt được bao gồm kim loại, thủy tinh, gốm sứ, pin khô và các thiết bị nhỏ như máy sấy tóc... và thường không phổ biến nên tần suất thu gom thường là mỗi tháng một lần.

Rác nguyên liệu gồm các loại chai lọ thủy tinh, lon nước, báo, tạp chí và thùng carton... thường được thu gom một lần mỗi tuần. Chai lọ như sữa hoặc đồ uống, được khuyến nghị là rửa sạch trước khi vứt để tránh gây mùi khó chịu cho nhân viên tái chế.

Cuối cùng là rác thải cỡ lớn gồm các loại chăn đệm, đồ gia dụng như quạt, máy hút bụi, tivi, tủ lạnh, máy in, bàn ghế, đồ chơi trẻ em cỡ lớn… Khi đổ loại rác này người dân phải đăng ký trước và trả phí từ 3.000 đến 1 vạn yên (tức là hơn 600.000 – đến hơn 2 triệu đồng) tùy vào kích thước.

Về túi đựng rác, hầu hết các địa phương khuyến khích người dân sử dụng túi nilong trong suốt, túi bóng mờ, không dễ bị rách để có thể nhìn rõ bên trong, loại này được bán phổ biến trong các siêu thị. Một số địa phương ở khu vực Kansai hay Kyushuu còn quy định túi đựng rác chuyên dụng riêng cho từng loại rác, nhân viên sẽ không thu rác nếu không đúng loại túi chỉ định.

Khác với Việt Nam, thì tại Nhật Bản túi nilong không được phát miễn phí khi mua hàng mà khách hàng sẽ phải mang túi đựng theo hoặc mua thêm túi nilong tại quầy thu ngân, mỗi túi sẽ có giá khoảng từ 4-5 yên (gần 1.000 đồng) và những túi nilong này đủ điều kiện dùng đựng rác điều này cũng giúp Nhật Bản cũng hạn chế tối đa lượng rác thải nilon.

Trước những quy định nghiêm ngặt về cách đổ rác tại Nhật Bản, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, một công dân Việt Nam sinh sống tại quận Shibuya, thủ đô Tokyo chia sẻ: "Lúc mới sang đây tôi thấy bất ngờ về mức độ tỉ mỉ trong cách đổ rác của người Nhật, lúc đầu thấy hơi bất tiện nhưng sau cũng quen và thấy cách đổ rác như vậy rất là khoa học. Khác với Việt Nam là lúc nào đổ rác cũng được, rác vứt lẫn lộn trong một túi thì ở đây đổ rác có lịch cụ thể theo từng loại rác. Do thời gian rác ở trong nhà rất lâu nên rác không được vứt lẫn lộn, phải buộc kín thậm chí để ráo nước, nếu không mùi sẽ rất hôi”.

Việc xử phạt khi vi phạm quy định về vứt rác tại Nhật cũng rất nghiêm khắc, vứt rác bừa bãi có thể bị phạt 5 năm tù hoặc 10 triệu yên (2,2 tỷ đồng), vứt tàn thuốc vào rãnh mương tạm giam 1 đến 30 ngày, phạt tiền từ 1.000 đến 1 vạn yên (200.000 đến 2,2 triệu đồng), vứt rác từ xe hơi phạt từ 5 vạn yên (11 triệu đồng).


Ngoài những quy định khắt khe trong luật thì việc giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ về phân loại rác tại Nhật cũng được chú trọng. Tại các nhà máy xử lý rác thải đều có khu giới thiệu các sản phẩm tái chế từ rác, đặc biệt là có khu vực để khách tham quan và các em học sinh có thể quan sát trực tiếp công nhân môi trường thực hiện phân loại rác. Qua đó Nhật Bản muốn mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của phân loại rác và nhận thấy được rác cũng là nguồn tài nguyên quý giá nếu biết tận dụng./.


Theo VOV

Tags phân loại rác rác thải sinh hoạt người Nhật

Các tin khác

Trong những năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) đã có nhiều chương trình, hoạt động, mô hình hiệu quả vận động hội viên, nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Mô hình 'Ngôi nhà xanh thu gom rác thải nhựa gây quỹ vì phụ nữ nghèo', thuộc Chi hội Phụ nữ thôn 2 Cát Lại, xã Bình Nghĩa thành lập từ tháng 10/2021.

Đến thời điểm này, 100% cơ sở Hội Liên hiệp phụ nữ Quận Hai Bà Trưng đã hưởng ứng xóa bỏ chân rác, trồng cây hoa và tuyên truyền nhắc nhở người dân không đổ, vứt rác bừa bãi; các cấp Hội xóa bỏ được 22/30 điểm rác, chân rác làm đẹp cảnh quan...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục