Trong những năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) đã có nhiều chương trình, hoạt động, mô hình hiệu quả vận động hội viên, nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Mô hình "Lò đốt rác tại gia” của hội viên phụ nữ xóm Cọi Vỉnh, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc).
Đồng chí Bùi Thị Thao, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Mỹ cho biết: Thực hiện chủ trương, kế hoạch của UBND xã về xây dựng mô hình "Lò đốt rác tại gia”, nhận thấy đây là mô hình hay, thiết thực nên Hội LHPN xã đã triển khai mô hình điểm lò đốt rác thải sinh hoạt gia đình tại xóm Cọi Vỉnh. Với ưu điểm chi phí xây dựng thấp, dễ thực hiện, có tính ứng dụng cao, việc xây dựng các lò đốt rác tại hộ gia đình là mô hình hữu ích. Đến nay, mô hình phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực giải quyết vấn đề, thực trạng về rác thải tại địa phương, khi mà việc xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung chưa thực hiện được.
Chị Bùi Thị Huyền, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm Cọi Vỉnh chia sẻ: Xóm hiện có 112 hộ, 530 nhân khẩu. Trước thực trạng xóm chỉ có 27 hộ đóng tiền thu gom rác hàng ngày của Công ty Kim Đạt Việt, còn lại rác thải sinh hoạt bà con tiện đâu vứt đó, không được phân loại, gây ô nhiễm môi trường. Chi hội phụ nữ đã phối hợp ban quản lý xóm tích cực vận động các hộ xây dựng lò đốt rác thải, đến từng hộ tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cách xây lò, phân loại rác…
Theo chị Huyền, tùy điều kiện thực tế, các lò đốt rác mi ni có thể được xây bằng gạch, cao khoảng 1,2m, rộng 1m; phía trong, cách 1/3 chiều cao thân lò được gắn những thanh sắt đan vào nhau để đổ rác lên trên. Tổng chi phí xây 1 lò đốt chỉ khoảng 200 - 300 nghìn đồng, khá phù hợp với điều kiện của người dân nông thôn và hội viên phụ nữ. Việc xây dựng lò đốt rác tại gia đơn giản, dễ thực hiện, không tốn diện tích, xử lý tại chỗ rác thải sinh hoạt của gia đình; tạo cho người dân ý thức, thói quen phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại chỗ. Ưu điểm của lò đốt là lượng khí thải khi đốt không phát tán rộng nên nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con. Hiện xóm đã xây dựng được trên 70 lò đốt rác tại gia, góp phần bảo vệ cảnh quan, xây dựng môi trường sống "sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Chị Bùi Thị Hảo, xóm Cọi Vỉnh cho biết: Cách 2 ngày gia đình thu gom các loại rác thải, sau đó phân loại rác hữu cơ ủ phân, loại tái chế hoặc bán phế liệu được, còn rác vô cơ đưa vào lò đốt rác để đốt. Trước đây khi chưa có lò đốt rác, mỗi ngày đi chợ về các túi nilon đựng thức ăn thường tiện tay vứt ra vườn. Từ ngày xây lò đốt rác thải, gia đình không còn tình trạng vứt rác bừa bãi.
Đồng chí Bùi Thị Thao, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Mỹ cho biết thêm: Để mô hình được nhân rộng cần có sự tham gia ủng hộ của hội viên phụ nữ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong xã. Mong rằng thời gian tới, mô hình được nhân rộng đến các xóm trên địa bàn xã Ngọc Mỹ và các xã lân cận.
Hồng Duyên/Báo Hoà Bình
Tags
xã Ngọc Mỹ
Lò đốt rác
rác thải sinh hoạt
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Mô hình 'Ngôi nhà xanh thu gom rác thải nhựa gây quỹ vì phụ nữ nghèo', thuộc Chi hội Phụ nữ thôn 2 Cát Lại, xã Bình Nghĩa thành lập từ tháng 10/2021.
Đến thời điểm này, 100% cơ sở Hội Liên hiệp phụ nữ Quận Hai Bà Trưng đã hưởng ứng xóa bỏ chân rác, trồng cây hoa và tuyên truyền nhắc nhở người dân không đổ, vứt rác bừa bãi; các cấp Hội xóa bỏ được 22/30 điểm rác, chân rác làm đẹp cảnh quan...
Sau khi màn pháo hoa mừng lễ Quốc khánh 2-9 tại TP HCM kết thúc, nhóm bạn trẻ trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng chia nhau đi nhặt rác.