Tranh minh họa ca phẫu thuật gây mê toàn thân đầu tiên trên thế giới của William Morton. Ảnh: History.
Các bệnh nhân luôn hy vọng sẽ không cảm thấy đau đớn trong lúc phẫu thuật hoặc ít nhất là không nhớ gì về quá trình này. Nhưng mong muốn của họ không phải lúc nào cũng được đáp ứng. Trước khi phát hiện ra phương pháp gây mê toàn thân vào giữa thế kỷ 19, người ta chỉ xem phẫu thuật như một giải pháp điều trị cuối cùng và liều lĩnh. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có ý thức và không được giảm đau. Họ trải qua nỗi đau đớn không kể xiết và phải hứng chịu nhiều rủi ro liên quan đến tính mạng.
Không có gì ngạc nhiên khi rất ít người viết về trải nghiệm phẫu thuật của họ trong điều kiện không có thuốc mê, bởi vì nó thường khơi dậy những ký ức bị đè nén, tương tự như một cuộc tra tấn về thể xác. Fanny Burney, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh, từng có những ghi chép sống động về "nỗi kinh hoàng vượt qua mọi mô tả” liên quan đến trải nghiệm này. Cô được các bác sĩ chỉ định điều trị ung thư vú bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ vú vào ngày 30/9/1811.
"Khi con dao thép cắt sâu vào bầu ngực, tôi không thể kiềm chế tiếng kêu của mình. Tôi gào thét liên tục trong suốt thời gian bị rạch do đau đớn tột cùng. Tôi cảm thấy lưỡi dao như đang cứa vào xương ức và cạo nó”, Fanny Burney miêu tả.
Không chỉ có bệnh nhân, các bác sĩ phẫu thuật cũng phải chịu đựng sự lo lắng và đau khổ đáng kể. John Abernethy, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện St Bartholomew’s ở London vào đầu thế kỷ 19, đã ví von việc đi đến phòng phẫu thuật làm việc giống như "đi treo cổ”. Các bác sĩ thường rơi nước mắt và nôn mửa sau một ca phẫu thuật đặc biệt khủng khiếp.
Phát hiện thuốc mê
Cùng với những tiến bộ kỹ thuật trong việc chế tạo răng giả, một nha sĩ trẻ người Mỹ tên là William Morton đã kiên trì tìm kiếm một phương pháp đơn giản để giảm đau trong quá trình thay răng, nhằm tăng số lượng khách hàng và thu được lợi nhuận cao hơn.
Những nỗ lực của anh đã sớm được đền đáp xứng đáng. Anh phát hiện con người hoặc các loài động vật nhỏ nếu hít phải hợp chất sulfuric ether [ngày nay được biết đến với tên gọi ethyl ether hoặc đơn giản là ether] sẽ bất tỉnh và không phản ứng.
Vài tháng sau khi khám phá ra điều này, Morton tiến hành gây mê một bệnh nhân nam trẻ tuổi trong một ca phẫu thuật công khai tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) vào ngày 16/10/1846. Morton đã dễ dàng loại bỏ một khối u nằm ở bên trái hàm của bệnh nhân. Trong suốt quá trình đó, bệnh nhân dường như không cử động hoặc kêu lên. Điều này đã gây ngạc nhiên lớn cho nhóm bác sĩ phẫu thuật và những người chứng kiến.
Phương pháp gây mê trở nên phổ biến
Tin tức về các đặc tính đáng chú ý của ether nhanh chóng lan truyền qua Đại Tây Dương đến Anh. Đây cũng là nguồn cảm hứng để James Simpson, một bác sĩ sản khoa người Scotland, tìm ra thuốc gây mê chloroform vào năm 1847.
Theo Simpson, chloroform là thuốc gây mê dễ bay hơi. Nó không có những đặc điểm khó chịu của ether như mùi hăng, gây kích ứng cổ họng và đường mũi, hoặc khiến người bệnh dễ bị kích động. Không lâu sau, chloroform trở thành loại thuốc gây mê toàn thân được sử dụng phổ biến nhất trong gây mê phẫu thuật và nha khoa tại Anh.
John Snow, một bác sĩ người Anh, đã tiến hành các thử nghiệm ether và chloroform có kiểm soát lên cơ thể động vật và con người nhằm xác định liều lượng phù hợp, khiến việc sử dụng chúng trong y tế ngày càng an toàn hơn.
Ống hít chloroform mà bác sĩ John Snow đã sử dụng cho Nữ hoàng Victoria để giảm bớt cơn đau khi sinh nở. Ảnh: Wikimedia.
Năm 1853, Snow chịu trách nhiệm gây mê cho Nữ hoàng Victoria của Anh bằng chloroform trong quá trình sinh mổ Hoàng tử Leopold. Sự kiện này đã làm cho liệu pháp gây mê dần được chấp nhận rộng rãi trên khắp thế giới vào cuối thế kỷ 19. Nhu cầu về thuốc gây mê cũng không ngừng tăng lên, khi các bác sĩ tích cực dùng chúng vào mục đích hỗ trợ sản phụ sinh con hoặc phẫu thuật để điều trị những căn bệnh nguy hiểm.
Gây mê an toàn
Ngày nay, các bác sĩ đã thay thế ether và chloroform bằng những hợp chất gây mê an toàn, hiệu quả hơn nhiều như sevoflurane và isoflurane. Do ether rất dễ cháy nên trước đây các chuyên gia phẫu thuật không thể sử dụng nó kết hợp với phương pháp đốt điện trong quá trình điều trị bệnh. Trong khi đó, chloroform có thể làm tăng tỷ lệ tử vong do ngừng tim.
Quy trình gây mê toàn thân hiện tại đã hoàn thiện đến mức nó trở thành một trong những biện pháp an toàn nhất trong số tất cả các thủ thuật y tế lớn thông thường. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do biến chứng của thuốc gây mê cực kỳ thấp, chỉ khoảng 1/300.000. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi ở các quốc gia khác nhau, trong các điều kiện khác nhau.
Mặc dù thuốc mê đã được sử dụng rộng rãi trong y học hơn 170 năm qua, nhưng cơ chế phân tử giúp chúng tạo ra trạng thái bất tỉnh vẫn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Gây mê toàn thân sẽ khiến bệnh nhân bất động, không có cảm giác đau và mất ý thức. Trong số này, trạng thái vô thức là khó xác định và đo lường nhất.
Đầu thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu cho rằng thuốc gây mê hoạt động bằng cách hòa tan vào phần chất béo nằm bên ngoài các tế bào thần kinh (nơron) trong não và can thiệp vào hoạt động của chúng. Thuốc mê ngăn cản quá trình dẫn truyền xung thần kinh tại những nơi nơron tiếp xúc với nhau, khiến bệnh nhân dần mất ý thức. Nhưng giờ đây, chúng ta biết rằng thuốc mê ảnh hưởng trực trực tiếp đến hoạt động của nhiều loại protein tham gia hỗ trợ hoạt động của các tế bào thần kinh và sự tương tác giữa chúng.
Theo Theconversation