Bàn luận về đô thị sáng tạo phía Đông của TP Hồ Chí Minh

  • Cập nhật: Thứ bảy, 19/9/2020 | 10:57:05 AM

QLMT - Việc lập thành phố (TP) phía Đông với tên gọi là “TP sáng tạo” (chưa có tên chính thức), TP.HCM kỳ vọng nơi đây sẽ là TP tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, tập hợp những tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế để tạo ra những sản phẩm mới, giá trị mới, công nghệ – kỹ thuật mới mang tầm quốc tế nhằm đóng vai trò dẫn dắt kinh tế – xã hội cho TP. HCM và thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Nam bộ, Tây Nam Bộ, hướng đến tầm châu Á và thế giới.

Cho đến lúc này, việc thành lập TP sáng tạo là quyết tâm chính trị rất cao, không gì lay chuyển nổi của ban lãnh đạo TP. HCM. Mặc dù vậy, từ khi khởi phát ý tưởng đến khi hiện thực hóa thành một thực thể hành chính vận hành theo đúng chức năng được xác định, chắc chắn không dưới 10, thậm chí là 15 năm. Về khía cạnh pháp lý và khoa học có nhiều điều đặt ra, nếu không tìm ra được câu trả lời thì rất khó hiện thực hóa mô hình này.



Tính pháp lý của mô hình TP trong TP

Ý tưởng thành lập TP phía Đông TP. HCM với chức năng sáng tạo là một đề xuất hoàn toàn mới về mô hình TP trong TP, đây là một ý tưởng chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Cho đến nay, trong hệ thống quản lý hành chính của Việt Nam các đơn vị đô thị được gọi chính danh là thị trấn, thị xã, TP, các TP được phân thành 7 loại gồm: TP đặc biệt, TP trực thuộc TW và TP từ loại 1 đến loại 5. Trong hệ thống này không đề cập đến TP trong TP, chính vì thế mà TP Sơn Tây phải hạ cấp xuống thị xã khi sát nhập vào Hà Nội năm 2008. Do vậy, muốn TP sáng tạo phía Đông của TP. HCM ra đời được thì cần phải sửa lại "Luật Đô thị” và Luật "Chính quyền địa phương”, trong đó quan trọng nhất là xác lập mới mô hình hệ thống đô thị cùng với đó là tên gọi chính danh các đơn vị trong hệ thống. Cần nhấn mạnh rằng, cách gọi "khu đô thị” như hiện nay là không chính danh như: Khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị Hòa Lạc, đô thị đại học, khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính,… Trong luật không có đơn vị hành chính nào là "đô thị”, mà đây là khái niệm để phân biệt giữa nơi này là nông thôn, nơi kia là đô thị. Chúng ta thường gọi "đô thị Phú Mỹ Hưng” nhưng trên thực tế không có đơn vị hành chính nào mang tên như thế mà đó tên gọi cho dự án của nhà đầu tư Đài Loan là ông Đinh Thiện Lý. Dự án đó sau khi hoàn thành nằm dưới sự quản lý của hai phường Tân Phong và Tân Phú.

Do vậy, nếu Bộ Xây dựng và Chính phủ chấp nhận đề xuất của TP. HCM như hiện nay sẽ tạo ra một loạt các mâu thuẫn và chồng chéo về chiều dọc và chiều ngang trên các phương diện liên quan đến quản lý. Một loạt câu hỏi đặt ra liên quan đến cơ cấu tổ chức chính trị – hành chính, cơ chế vận hành, mối quan hệ thứ bậc của TP nhỏ trong TP lớn, và quan hệ với các Bộ, Ban ngành của Trung ương. Nếu không giải quyết được các mối quan hệ mới phát sinh này thì đơn vị mới thành lập rất có thể lại có cơ cấu tổ chức, và cơ chế hoạt động như các quận, huyện khác, khi đó tên gọi "TP” chỉ còn là một danh xưng mang tính hình thức.

Để cho TP sáng tạo ở TP. HCM ra đời được thì Việt Nam cần học tập hai mô hình đã có trên thế giới. Mô hình thứ nhất là TP đa cấp trong tỉnh, như ở Liên bang Nga có Thủ đô Maxtcova nằm trong tỉnh Matxcova (tỉnh Matxcova có 28 TP lớn nhỏ). Hay ở Hàn Quốc có tỉnh Gyeonggi có 31 TP, trong tỉnh này có Thủ đô Seul. Một thí dụ khác, trước đây vào thời nhà Nguyễn có tỉnh Gia Định với một địa giới hành chính rộng lớn bao hàm cả TP Sài Gòn, TP Chợ Lớn, Bình Dương, Long An. Mô hình thứ hai là vùng đô thị như Metropolitan Manila (gọi tắt là Metro Maniala) của Philippines, hay Jabodetabek của Indonesia. Vùng đô thị Metro Manila bao gồm 17 TP đồng cấp về quản lý hành chính, trong đó có TP Manila đảm nhiệm chức năng chính trị-ngoại giao. Mỗi TP là 1 thực thể hành chính – chính trị độc lập, với bộ máy lãnh đạo và tài chính riêng. Quản lý Vùng đô thị này là Hội đồng các thị trưởng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống.



Như vậy, chúng ta phải thay đổi mô hình theo tỉnh hay vùng đô thị để trên diện tích 2.100km2 (hoặc mở rộng ra thêm nữa) có nhiều TP lớn nhỏ cùng tồn tại chính danh, trong đó có TP Sài Gòn, TP Sáng tạo, TP Phú Mỹ Hưng, TP Thủ Thiêm… Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, mô hình này phải có sự thống nhất toàn quốc (Hà Nội cũng đang trong tình trạng tương tự), trước hết là luật và sau đó là mô hình lựa chọn.

Tổ chức không gian của TP sáng tạo

Ngoài những cái khó về tính pháp lý của mô hình TP trong TP ra thì còn có những cái khó khác nữa mà TP HCM phải đối mặt là: Xác định chức năng và tổ chức không gian đô thị, cũng như không gian kinh tế – xã hội như thế nào cho hợp lý. Trên thế giới có hàng trăm các TP có chức năng chính là nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo thử và thương mại hóa sản phẩm như Valley Silicon (Mỹ), Bangalore Valley (Ấn độ), Pujatraya (Malaysia), Quenzon city (Phlippines), King Apdula (Tiểu vương Quốc Ả rập), Songdo (Hàn Quốc). Các TP sáng tạo này được chính phủ và các nhà đầu tư xây dựng trên một vùng đất mới toanh, điều đó có nghĩa là khi mà viên gạch đầu tiên được đặt xuống theo ý đồ thiết kế trên bản vẽ. Nó được xác định là TP đơn chức năng và toàn bộ thiết kế, xây dựng, vận hành, tổ chức không gian (giao thông, công trình xây dựng, không gian công cộng, dịch vụ), bộ máy quản lý được định hướng từ trước khi ra đời. Trong khi đó, TP sáng tạo phía Đông được hình thành trên cơ sở hợp nhất ba quận 2, 9, Thủ Đức cho nên việc tổ chức không gian rất khó. Nếu TP sáng tạo được thành lập, theo đề án của Sở Nội vụ, đó sẽ là một đơn vị hành chính mới có diện tích lớn nhất (212 km2) so với các quận nội thành, lớn gấp 30 lần quận 1 (7 km2), gấp 53 lần quận 4 (4 km2), gấp 43 lần quận 3 (5km2) và chỉ nhỏ hơn 3 huyện là Củ Chi, Bình Chánh, Cần giờ, có dân số đông nhất toàn TP là 1,1 triệu, gấp 5,5 lần quận 4 (200.000). Nhưng xin lưu ý là phần hạt nhân để chuyển từ một địa bàn dân cư đa chức năng sang đơn chức năng không lớn, bao gồm Khu đô thị Đại học Quốc gia có 650 ha, Khu công nghệ cao có 800 ha, nếu kể thêm Thủ Thiêm là 657 ha. Cũng cần nói thêm là các khu đô thị đại học và khu công nghệ cao trên thế giới được xếp vào dạng TP "ngày sống, đêm chết” tức là ban ngày sôi động với sự có mặt của hàng trăm ngàn người, nhưng ban đêm không có mấy người, TP vắng lặng nên các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa hầu như không diễn ra. Với một diện tích phần hạt nhân nhỏ như thế, dân số tĩnh ít mà buộc cả một khu vực rộng lớn với 212 km2 và 1,1 triệu dân vận hành theo là điều không dễ một chút nào. Hơn thế nữa, việc tổ chức lại không gian, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, trung tâm hành chính sao cho TP này vận hành đồng bộ theo kiểu "Tri thức, thông minh, công nghệ tiên tiến, chất lượng sống cao” là một thách thức không chỉ về tài chính, quĩ đất mà còn cả việc tích hợp, dịch chuyển nữa. Chẳng hạn, trung tâm mới của TP nằm ở đâu, làm thế nào cho các khu đào tạo, công nghệ cao có dân cư sống động. Nên chăng trong giai đoạn đầu các đơn vị có hàm lượng chất xám cao (có cùng chức năng lại) hợp nhất lại hình thành nên một đơn vị mới có lãnh thổ hành chính rõ ràng, có bộ máy quản lý, có tên gọi riêng, chẳng hạn "Thị trấn khoa học sáng tạo” (science town) bao gồm khuôn viên Đại học Quốc gia (650 ha), khuôn viên Khu công nghệ cao (800 ha) và phần nối giữa hai đơn vị này thành liền khối (28 ha), cả ba diện tích này đều thuộc quận Thủ Đức, mới đây nhất Sở Quy hoạch- Kiến trúc đã đưa ra đề xuất điều chỉnh hợp nhất này, hoặc nếu không hợp nhất được về mặt lãnh thổ thì hợp nhất về cơ chế quản lý và vận hành giữa hai đơn vị nằm ở quận Thủ Đức và trung tâm công nghệ sinh thái (25 ha), dự tính sẽ được hình thành trong tương lai nằm ở quận 9. Còn việc chuyển đổi tiếp phần còn lại của 3 quận như thế nào thì nên thực hiện đồng bộ trên toàn TP theo đề án "Tái cấu trúc không gian và hành chính của TP HCM” phù hợp với quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Khi có đề án rồi thì việc trình chính phủ, Quốc hội thuận lợi hơn rất nhiều, kể cả việc sắp xếp giữa các quận huyện cũng thuận lợi hơn. Nếu chỉ vì 1.500 ha (15 km2) mà làm đời sống của hơn một triệu dân trên diện tích 212 km2 có thể bị xáo trộn nhất định thì nên tính toán cho kỹ.

Thủ Thiêm thuộc TP sáng tạo hay trung tâm hiện hữu?

Một điều nữa cần xem xét là đưa Thủ Thiêm về TP sáng tạo – Theo quyết định 367 ban hành 1996 của Thủ tướng Chính phủ thì khu Thủ Thiêm sẽ là một trung tâm động lực mới của TP HCM. Nơi đây sẽ đóng vai trò là nơi chia sẻ với những chức năng mà trung tâm hiện hữu (930 ha) bị quá tải hoặc chưa thể hình thành do quĩ đất đã hết. Theo đề án thắng giải Cuộc thi thiết kế của Sasaki năm 2003, sau đó được TP hoàn chỉnh và chính phủ thông qua thì Thủ Thiêm sẽ như là Phố Đông của Thượng Hải. Ở đó có Trung Tâm tài chính lớn nhất cả nước có dáng vẻ như phố Wall của New york có tầm ảnh hưởng khu vực châu Á, nơi đây ngoài thị trường chứng khoán ra thì còn là nơi có các cao ốc của các tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới, có quảng trường lớn để mít tinh và duyệt binh các ngày lễ lớn, nhà hát giao hưởng, rạp xiếc, nhà triển lãm qui hoạch, bảo tàng tự nhiên, các âu thuyền, công viên và mảnh xanh và cả các viện nghiên cứu công nghệ cao. Sau khi cầu Thủ thiêm 2 hoàn thành thì chỉ mất vài phút đi bộ là tới Thủ thiêm, do vậy nên nhập Thủ Thiêm về quận 1 thì tốt hơn về mọi phương diện. Diện tích quận 1 hiện nay quá nhỏ chỉ có vẻn vẹn 7 km2 chưa xứng tầm là trung tâm của một TP 12 triệu dân, rộng 2.100 km2. Nếu nhập về thì không chỉ diện tích quận trung tâm tăng lên mà quan trọng hơn là các chức năng mở rộng mà Thủ Thiêm đảm nhiệm sẽ được quận 1 quản lý và vận hành hiệu quả hơn. Nếu đưa về TP sáng tạo Đông chỉ để tăng thêm sức nặng về diện tích thì không hợp lý mà còn làm cho các chức năng quan trọng của Thủ Thiêm bị lệch hướng so với quyết định 367 ban đầu cho khu vực này, và các chức năng như thế không còn cơ sở và động lực để hình thành.

Với một vài điều cần lưu ý trên đây, điều chúng ta cần lưu tâm đó là: Sáng tạo, đổi mới là cần thiết để tăng sức cạnh tranh của TP, nhưng cần có những bước đi thích hợp về thời gian, không gian và tâm lý cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2020)

Tags TP Hồ Chí Minh đô thị TP sáng tạo

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục