Nằm trong khu vực biển có hệ tài nguyên đa dạng và phong phú, đảo Cồn Cỏ có diện tích khoảng 9.000 km2, đầy đủ các hệ sinh thái trên biển của một vùng biển nhiệt đới với tính đa dạng sinh học cao và còn tương đối nguyên vẹn so với các vùng biển khác của Việt Nam. Theo thống kê, Cồn Cỏ là nơi sinh sống của 224 loài cá biển khơi trong tổng số 960 loài cá phân bố ở vịnh Bắc Bộ với các loài có giá trị cao như cá mú, cá ngừ, cua, ghẹ, mực, tôm hùm... Bên cạnh đó, Cồn Cỏ sở hữu 113 loài san hô cứng, 56 loài rong biển, 46 loài động vật vây, 20 loài giáp xác, 87 loài cá rạn san hô, loài thực vật phù du và các loài quý hiếm như cá heo, một họ vích (chelonidae), một họ quân đồng và một họ rùa da (dermochelyidae). Rạn san hô ở Cồn Cỏ được đánh giá là đang trong tình trạng rất tốt, độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn.
Theo ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, thời gian qua, huyện đảo luôn coi công tác giữ gìn môi trường biển trong sạch, xây dựng đảo xanh, sạch, đẹp là một nhiệm vụ cấp thiết. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy, phối hợp với UBND huyện và các đơn vị liên quan phát động các phong trào chung tay BVMT: thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ nhằm phục vụ mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển, đồng thời phục vụ lợi ích cộng đồng địa phương thông qua việc khai thác hợp lý các sản phẩm tự nhiên từ rừng và dịch vụ du lịch sinh thái và đáp ứng các yêu cầu đảm bảo về quốc phòng, an ninh.
Cán bộ, chiến sỹ, nhân dân cùng đại điện cán bộ Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường tham gia dọn vệ sinh môi trường tại đảo Cồn Cỏ
Trong năm 2024, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã xây dựng kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ năm 2024 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch bao gồm việc nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng quản lý chất thải rắn tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa của cộng đồng và doanh nghiệp, từ đó từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động quản lý chất thải rắn trên đảo, hạn chế thất thoát chất thải rắn và rác thải nhựa ra môi trường và đại dương, hướng tới xây dựng "Cồn Cỏ - đảo xanh không ô nhiễm trắng” vào năm 2030.
Vừa qua, tại Cồn Cỏ đã diễn ra Hội nghị phổ biến mô hình giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn, phát huy các mô hình sẵn có, điển hình tại Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thôngTN&MT, Bộ TN&MT Cao Minh Tuấn đã đánh giá cao những mô hình BVMT đã triển khai tại huyện đảo và đề nghị chính quyền, người dân, các sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chung tay giữ gìn màu xanh và sự trong lành của biển, đảo quê hương, trong đó tập trung vào việc giảm chất thải nhựa, tiến hành phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Thực hiện tốt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ; Luật BVMT năm 2020 và các văn bản pháp luật về BVMT. Đặc biệt là ưu tiên sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần; thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển nhằm bảo vệ và giữ gìn tài nguyên, môi trường biển, đảo vì mục tiêu phát triển bền vững...
Nguyệt Minh/Tạp chí Môi trường