Quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh Khánh Hòa sử dụng trong việc hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo tính khách quan, khoa học; hướng đến phát triển bền vững cả ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường và bảo đảm phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ,quan điểm lập quy hoạch nói trên phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên; bảo đảm tính nhân dân, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, với các nội dung định hướng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia liên quan và quy hoạch khu vực Duyên hải miền Trung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; đảm bảo tính khả thi trong triền khai, đáp ứng các nhu cầu của giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo, phù hợp với tầm nhìn đến năm 2050.
Nội dung quy hoạch: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Khánh Hòa; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh, lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội; các phương án quy hoạch về hệ thống đô thị, giao thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thủy lợi, hạ tầng xã hội; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh...
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận hệ thống, tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, các ngành, cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện lập quy hoạch. Tiến độ lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch cho tỉnh Khánh Hòa được phê duyệt.
Khánh Hòa là một tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, có vùng biển đảo rộng lớn với hơn 200 hòn đảo lớn, nhỏ. Khánh Hòa có nguồn lao động dồi dào, dân số trung bình khoảng 1.231.107 người (Kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số của tỉnh vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019), là một trong 10 tỉnh của cả nước có số lượng trí thức lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ, hơn 20.500 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên 200 cán bộ có trình độ trên đại học. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm trên 25%.
Khánh Hòa nằm trên trục giao thông Bắc Nam, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là cửa ngõ lên Tây Nguyên và là tỉnh có nhiều vịnh, cảng gần tuyến hàng hải quốc tế nhất ở Việt Nam.
Định hướng phát triển giao thông, vận tải Khánh Hòa là tận dụng lợi thế của 3 vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh nằm trên trục đường hàng hải Quốc tế Nam - Bắc Á, với xu thế vận tải biển bằng phương thức Container để đầu tư xây dựng cảng biển, khai thác hoạt động dịch vụ hàng hải, phát triển công nghiệp tàu thủy... Ðồng thời đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn để giải quyết tốt nhiệm vụ luân chuyển hàng hoá của vùng ven biển. Đến nay đã có 44/45 xã, phường đã có đường đến trung tâm xã, đã căn bản khắc phục được tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão, phục vụ tốt cho dân sinh và an ninh quốc phòng.
Nha Trang - Khánh Hòa là một trong những điểm du lịch nổi tiếng. Ảnh TL
Những năm qua, Khánh Hòa đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước với chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng qua các năm và đạt trên 110,5 nghìn tỷ đồng trong 5 năm 2011 – 2015, tăng gấp 2,3 lần so giai đoạn 2005 – 2010. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP bình quân đạt 42,69%. Riêng năm 2018, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội được 41.200 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn ngân sách đã tập trung đầu tư theo 4 chương trình phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các công trình trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển trong thời gian tới. Huy động vốn đầu tư theo hình thức BT và sử dụng vốn ODA để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng có tác dụng lan tỏa, có tính liên kết vùng nhằm đẩy mạnh quá trình đô thị hóa của tỉnh./.