Long An: Triển khai kế hoạch thí điểm chuyển đổi số quản lý chất thải

  • Cập nhật: Thứ bảy, 7/9/2024 | 11:11:49 AM

QLMT - Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An vừa công bố Kế hoạch thí điểm “Chuyển đổi số quản lý chất thải” với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Đây là một bước đi quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Khối lượng rác thải ngày càng tăng

Theo thống kê hiện tại, số lượng CTRSH phát sinh tại tỉnh Long An giao động từ 870 đến 890 tấn CTRSH mỗi ngày. Rác thải được thu gom, vận chuyển về xử lý tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa ở huyện Thạnh Hóa, Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước và Công ty CP Vietstar Khu Liên hiệp Phước Hiệp ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận chất thải từ Thành phố Tân An và nhiều huyện khác như Bến Lức, Châu Thành, Tân Trụ, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và một phần huyện Đức Hòa.


Theo thống kê hiện tại, số lượng CTRSH phát sinh tại tỉnh Long An giao động từ 870 đến 890 tấn CTRSH mỗi ngày. 

Bên cạnh CTRSH, tỉnh Long An cũng đang phải xử lý khoảng 1.200 - 1.400 tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường mỗi ngày, chủ yếu được tái chế hoặc tái sử dụng. Chất thải nguy hại phát sinh trong năm 2023 ước tính khoảng từ 24.000 đến 26.000 tấn, được quản lý và xử lý theo hợp đồng với các đơn vị chức năng.

Dù có nhiều nỗ lực từ chính quyền trong việc tuyên truyền và xử lý tình trạng "rác tặc” – hành vi đổ rác thải không hợp pháp – vấn nạn này vẫn còn tiếp diễn, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Chính vì vậy, việc triển khai Kế hoạch thí điểm chuyển đổi số trong quản lý CTRSH được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những hạn chế hiện tại.

Mục tiêu và nội dung chính của kế hoạch

Kế hoạch thí điểm yêu cầu mô hình chuyển đổi số phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn và giải quyết các vấn đề cấp bách trong quản lý rác thải, bao gồm việc phân loại rác tại các hộ dân. Mô hình này sẽ được triển khai trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và sự tham gia của các đơn vị liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thu gom và xử lý rác, cũng như người dân.

Xây dựng hệ thống số quản lý CTRSH: Phát triển các ứng dụng Web App và Mobile App để cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, người dân và đơn vị thu gom có thể truy cập và sử dụng.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình: Gắn thiết bị giám sát cho các phương tiện thu gom rác có trọng tải từ 5 tấn trở lên để theo dõi lịch trình thu gom trên bản đồ số.

Thời gian thí điểm dự kiến là 6 tháng kể từ khi hệ thống chính thức hoạt động.

Kế hoạch thí điểm nhắm đến các mục tiêu cụ thể:

Số hóa 100% tuyến đường thu gom: Đưa vào phần mềm để giám sát lịch trình thu gom của các phương tiện.

Trang bị thiết bị giám sát cho 100% phương tiện thu gom: Cung cấp dữ liệu cho hệ thống giám sát.

Tiếp cận thông tin cho 100% hộ dân: Cung cấp thông tin về phân loại CTRSH và tra cứu lịch trình thu gom qua các ứng dụng trực tuyến.

Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh Long An đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của việc thí điểm. UBND Thành phố Tân An cũng sẽ đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc phối hợp triển khai và quản lý.

Kế hoạch "Chuyển đổi số quản lý chất thải” của tỉnh Long An là một bước quan trọng trong việc cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hy vọng các vấn đề về quản lý rác thải sẽ được giải quyết hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.

NGỌC HÀ

Tags Long An thí điểm Chuyển đổi số quản lý chất thải

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục