Một buổi quan trắc môi trường định kỳ của cán bộ Chi cục Thủy sản Hòa Bình.
Những ngày đầu tháng 8, cùng cán bộ Chi cục Thủy sản Hòa Bình, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Hội - một hộ nuôi cá lồng tại khu vực xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc). Anh Hội chia sẻ: Trước đây, gia đình làm nông nghiệp và lao động tự do nên thu nhập không ổn định, thuộc hộ nghèo trong xã. Sau khi được tiếp cận kỹ thuật và nhận thấy tiềm năng, gia đình đã mạnh dạn vay mượn đầu tư nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình. Đến nay, gia đình đã có 30 lồng cá. Thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm.
Theo anh Hội, trong nuôi trồng thủy sản, ngoài kinh nghiệm kỹ thuật thì việc nắm bắt thông tin về môi trường, dịch bệnh trong nguồn nước là rất quan trọng. Thời gian qua, người nuôi cá lồng như gia đình anh Hội luôn theo dõi, nhận thông tin quan trắc môi trường từ ngành chức năng để chủ động phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Cũng như gia đình anh Hội, hiện nay, có rất nhiều hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng ở vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Từ lâu, với người dân nơi đây, bảo vệ mỗi lồng cá chính là bảo vệ sản nghiệp.
Trong những năm qua, Chi cục Thủy sản và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết quả quan trắc môi trường đã kịp thời được phân tích, đánh giá nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản. Từ đó đưa ra các cảnh báo tới người nuôi để có giải pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản.
Theo đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản tập trung là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước và người nuôi trồng thủy sản chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, ứng phó với dịch bệnh thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đặc biệt là khi thay đổi thời tiết bất thường hoặc có dịch bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tại các vùng nuôi.
Hiện nay, tiến độ cung cấp kết quả quan trắc môi trường đã được đẩy nhanh. Trong 3 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc đợt thu mẫu, đơn vị quan trắc môi trường sẽ phải gửi kết quả sơ bộ. Trong 5 ngày, gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường đến Chi cục Thủy sản để kịp thời thông báo cho các địa phương. Đồng thời khuyến cáo các biện pháp xử lý đối với các khu vực nuôi có các chỉ số quan trắc vượt ngưỡng cho phép.
Việc quan trắc thường xuyên tại các vùng nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp người nuôi chủ động theo dõi và phát hiện nhiều nguồn tác động xấu đến môi trường ao nuôi. Từ các kết quả quan trắc này, cơ quan quản lý có thể dễ dàng đánh giá tác động môi trường các hoạt động nuôi trồng thủy sản có tác động như thế nào đến môi trường xung quanh.
Đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khuyến cáo: Để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, các ao nuôi sử dụng nguồn nước cấp thuộc các điểm quan trắc có hiện diện của vi khuẩn cơ hội có khả năng gây bệnh trên vật nuôi thủy sản cần diệt khuẩn kỹ trước khi cấp nước vào ao nuôi. Thứ hai, các ao nuôi có hiện tượng ô nhiễm hữu cơ cần xử lý vi sinh/chế phẩm sinh học để giảm thiểu các chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi, cải thiện chất lượng nước.
Cùng với đó, hạn chế thả giống mới, vận chuyển, san thưa trong thời điểm giao mùa. Người nuôi nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý hóa nước ao, hồ và biểu hiện hoạt động của thủy sản, định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vi lượng, khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng. Trước, trong và sau những cơn mưa lớn đầu mùa cần sục khí cung cấp thêm oxy cho ao/bè nuôi.
Theo Minh Vũ/Báo Hoà Bình