Một cuộc khảo sát khoa học gần đây ghi nhận, ở dãy Trường Sơn nằm giữa biên giới Việt Nam và Lào, bẫy dây đã đẩy nhiều loài đặc hữu sống trên cạn đến bờ vực tuyệt chủng. Trong đó, Sao la, Mang lớn, Thỏ vằn Trường Sơn và Cheo cheo lưng hiện đang là những loài bị đe dọa nhiều nhất.
Để giải quyết vấn nạn này, từ năm 2011 đến năm 2021, Tổ chức Bảo tồn Đa dạng sinh học WWF-Việt Nam đã phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai các nỗ lực loại bỏ gần 120.000 bẫy dây tại các địa điểm giáp ranh Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam ở miền Trung Việt Nam.
Dữ liệu thu thập từ các cuộc tuần tra trong vòng 11 năm của lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam chỉ ra: Nỗ lực tăng cường tháo gỡ bẫy đã giúp số lượng bẫy giảm 40%, theo đó các mối đe dọa đối với động vật hoang dã cũng giảm.
Mọi loài động vật sống trên cạn đều có thể mắc bẫy dây.
Một trong những nguyên nhân khiến bẫy dây trở thành mối đe doạ lớn của đa dạng sinh học là bởi mọi loài động vật sống trên cạn đều có thể mắc bẫy dù đó có phải mục tiêu hay không.
Để hiểu rõ hơn về tác động của bẫy dây với nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Viện Nghiên cứu Vườn thú và Động thực vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW), WWF-Việt Nam và WWF Châu Á - Thái Bình Dương, và các trường Đại học Exeter và Montpellier, đã phân tích dữ liệu tuần tra trong 11 năm. Trong đó, kết luận việc tăng cường tháo gỡ bẫy có thể làm giảm đáng kể mối đe dọa của bẫy dây đối với động vật hoang dã.
Chia sẻ về kết quả trên, ông Jürgen Niedballa, Chuyên gia dữ liệu tại Leibniz-IZW cho biết: "Chúng tôi nhận thấy khu vực sau khi được tuần tra thì số lượng bẫy có thể giảm đi. Việc tuần tra có tác dụng ngăn chặn nạn đặt bẫy trong tương lai. Vì vậy, đây là một phương pháp quan trọng để chống lại cuộc khủng hoảng bẫy dây ở Đông Nam Á”.
Gỡ bỏ bẫy dây là một công việc tổn nhiều công sức và chi phí cao. Trong đó, kiểm lâm viên phải đi bộ xuyên rừng trong nhiều ngay, vượt địa hình đồi núi cao và hiểm trở để tìm kiếm và tháo gỡ các bẫy được đặt. Dù vậy, phương pháp này vẫn đang được thúc đẩy triển khi vì sự đơn giản và ít gây tranh cãi hơn so với các giải pháp khác.
Ngoài ra, theo như kết luận của các nhà khoa học, việc tháo gỡ bẫy dù cần thiết nhưng chưa đủ để bảo vệ hệ động vật đa dạng đang bị đe dọa ở các khu rừng nhiệt đới.
Gỡ bỏ bẫy dây là một công việc tốn nhiều công sức và chi phí cao
Trên thực tế, mức độ đặt bẫy vẫn tương đối cao ở những khu vực rừng xa xôi, hẻo lánh. Các chuyên gia cũng phát hiện rằng mức độ đặt bẫy giảm chủ yếu trong vòng 6 năm đầu kể từ khi bắt đầu tuần tra. Sau đó, tần suất lắp đặt bẫy không giảm dù các hoạt động tuần tra vẫn tiếp diễn.
Ông Andrew Tilker, Chuyên gia tại Leibniz-IZW và Điều phối viên chương trình Bảo tồn Loài của tổ chức Re:wild, nhận xét: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có thể giải pháp tháo gỡ bẫy không đủ để bảo vệ động vật hoang dã tại các khu bảo tồn ở khu vực Đông Nam Á. Điều này đặc biệt đúng đối với các loài quý hiếm hoặc dễ mắc bẫy, nhiều loài trong số đó hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng ở Việt Nam”.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng cần làm là phải xem việc loại bỏ bẫy như một phần của công tác bảo tồn bao quát, đa khía cạnh nhằm giải quyết các động lực tiềm ẩn.
"Chỉ dựa vào việc loại bỏ bẫy sẽ không đủ để giải quyết mối đe dọa trên quy mô lớn. Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác bảo tồn để thực hiện các sáng kiến bảo tồn toàn diện, bổ trợ cho việc tháo gỡ bẫy bằng các giải pháp ngăn chặn việc đặt bẫy ngay từ đầu như hợp tác xuyên biên giới trong việc giải quyết nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp; các chương trình cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Bằng việc gia tăng những nỗ lực này, chúng ta có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề và giúp cho các khu rừng tại Trung Trường Sơn trở thành nơi cư trú an toàn cho các loài động vật hoang dã”, Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý chương trình Bảo tồn Động vật hoang dã của WWF-Việt Nam.
Trong bối cảnh các loài động vật hoang dã tại Đông Nam Á đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bẫy chưa từng có, các chuyên gia kỳ vọng việc kết hợp tháo gỡ bẫy với các giải pháp tiếp cận toàn diện sẽ giúp giải quyết các mối đe dọa, từ đó phục hồi quần thể động vật hoang dã trên diện rộng.
Để giảm số lượng bẫy tại các khu bảo tồn ở Đông Nam Á, đòi hỏi phải có một nguồn lực đáng kể và cam kết mạnh mẽ của các cơ quan chức năng địa phươn g, cũng như chính phủ các nước.
------------------------------------------
Nạn đặt bẫy tại dãy Trường sơn
Một trong những nguyên nhân chính khiến quần thể động vật hoang dã suy giảm ở các khu rừng nhiệt đới là do nạn sử dụng bẫy dây để săn bắt không chọn loài. Công sức và chi phí đặt bẫy thấp nên rất nhiều bẫy đã được giăng ra và có hiệu quả cao để bắt các loài động vật có xương sống trên cạn. Bẫy dây không chọn loài mà chúng bẫy nên mọi loài động vật sống trên cạn đều có thể mắc bẫy dù có là mục tiêu hay không. Bẫy có thể duy trì hoạt động trong nhiều tháng. Nạn bẫy dây đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Nam Á khiến quần thể động vật hoang dã ở nhiều khu vực được bảo vệ và không được bảo vệ bị suy giảm, và cho đến nay vẫn đang là một mối đe dọa đáng kể. Một cuộc khảo sát khoa học gần đây đã phát hiện rằng bẫy dây đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đến hệ động vật ở Đông Nam Á hơn tình trạng suy thoái rừng ở một số khu vực, và có thể tạo thành rừng rỗng. Ở dãy Trường Sơn nằm giữa biên giới Việt Nam và Lào, bẫy dây đã đẩy nhiều loài đặc hữu sống trên cạn đến bờ vực tuyệt chủng. Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), Thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi) và Cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor) đều đang bị đe dọa do mức độ đặt bẫy quy mô công nghiệp trên toàn khu vực.
Dự án Dự trữ Các-bon và Đa dạng Sinh học giai đoạn II (CarBi II)
Dự án CarBi II được thực hiện để góp phần bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học ở Cảnh quan Trung Trường Sơn. Một trong những cách tiếp cận của dự án là thành lập chương trình Quỹ phát triển Thôn, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương vay vốn để thay đổi sinh kế và giảm động cơ khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp. Các nhóm bảo tồn dựa vào cộng đồng cũng được hỗ trợ để tăng cường nâng cao nhận thức và khuyến khích thay đổi thái độ và hành vi đối với nạn săn bắt động vật hoang dã bất hợp pháp. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem tại đây.
Về WWF
WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí. vietnam.panda.org
NGỌC ANH