Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cung cấp nước sạch cho hơn 90% hộ dân của trong xã (ảnh: QMG).
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, tính đến tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt mức xấp xỉ 62%; Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế) đạt 86,37%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh và hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT đạt 70,16%. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT đạt 67,17%.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế và chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện cơ bản hệ thống cấp nước sạch tại các đô thị và vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh nhằm nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, song ở nhiều xã nông thôn khu vực miền núi, hải đảo, do dân cư sống thưa thớt nên việc đầu tư xây dựng đập, nhà máy xử lý nước cùng mạng lưới tuyến ống cung cấp, vận hành để đưa nước về tới các khu vực này gặp nhiều khó khăn. Trong khi tỷ lệ cấp nước sạch đô thị toàn tỉnh Quảng Ninh duy trì ở mức cao 98% thì vẫn còn 10 xã thuộc vùng khó khăn, khó tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung trong tổng số 98 xã trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong tổng số 262 công trình/hệ thống công trình cấp nước khu vực nông thôn toàn tỉnh Quảng Ninh, hiện có 41 công trình cấp nước không hoạt động, nguyên nhân chủ yếu do các công trình này đã được xây dựng từ lâu, dẫn đến bị hư hỏng nặng, không thể tiếp tục vận hành.
Thi công đường ống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu) (ảnh: Mạnh Trường).
Ngày 20/5/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 3227/UBND-NL3 về việc xây dựng Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, nhằm bảm bảo cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, Sở Xây dựng Quảng Ninh là đơn vị được giao xây dựng Đề án "Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025” đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án.
Ngày 04/5/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo Đề án "Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025”. Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 80% dân số nông thôn Quảng Ninh được sử dụng nước sạch, tiêu chuẩn cấp nước tối thiểu 60 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước sạch đảm bảo theo QCVN 01-1:2018/BYT; giai đoạn 2026-2030 đạt 90% dân số nông thôn sử dụng nước sạch, tiêu chuẩn cấp nước 80 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước sạch đảm bảo theo QCVN 01-1:2018/BYT,
Theo Đề án, phương án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh được phân thành 3 vùng: Vùng nước sạch đô thị, các đô thị phân tán; cấp nước sạch nông thôn vùng thấp dân cư tập trung; cấp nước nông thôn miền núi, biên giới, hải đảo, ven biển thường xuyên bị xâm nhập mặn và không có nguồn nước tại chỗ. Nguồn nước cấp được sử dụng từ hệ thống hồ, đập hiện có; các khe, suối, công trình trữ nước quy mô vừa và nhỏ.
Đề án "Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025” đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 tất cả các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hệ thống cấp nước tập trung đảm bảo về lưu lượng, chất lượng để phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, giai đoạn 2024-2025 tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng mới 12 công trình cấp nước nông thôn cấp nước cho 8.530 hộ dân, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 121,67 tỷ đồng. Trong đó, năm 2024 đầu tư xây mới 04 công trình cấp nước cho 2.243 hộ dân tại hai địa phương là thành phố Hạ Long và huyện Đầm Hà. Hiện thành phố Hạ Long đang triển khai thực hiện dự án xây mới 2 trạm cấp nước, cấp cho 733 hộ dân khu vực vùng rừng Hoành Bồ (xây dựng 1 cụm xử lý nước sạch tại xã Đồng Sơn, công suất 500 m3/ngày, cấp cho 568 hộ; xây dựng 1 cụm xử lý nước sạch tại xã Xã Kỳ Thượng, công suất 300 m3/ngày, cấp cho 165 hộ dân). Còn tại huyện Đầm Hà, xây dựng mới 2 trạm cấp nước cấp cho 1510 hộ dân (1 trạm tại xã Quảng An công suất 500 m3/ngày cấp cho 988 hộ; 1 trạm tại xã Quảng Lâm, công suất 300 m3/ngày cấp cho 522 hộ).
Người dân xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, đảm bảo sức khỏe, đời sống (Ảnh: Lê Nam).
Năm 2025, sẽ có 8 công trình cấp nước, cấp cho 6.287 hộ dân, được đầu tư xây dựng mới. Cụ thể: Thành phố Móng Cái sẽ xây dựng mới 1 trạm cấp nước xã Bắc Sơn, công suất 200m3/ngày, cấp cho 326 hộ dân; Huyện Vân Đồn xây mới 2 công trình, cấp cho 1104 hộ dân (1 trạm cấp nước xã Bản Sen, công suất 100m3/ngày, cấp cho 254 hộ dân; 1 trạm cấp nước xã Ngọc Vừng, cấp cho 180 hộ dân); Huyện Hải Hà xây mới 2 công trình, cấp cho 1517 hộ dân (1 trạm cấp nước xã Quảng Đức 500m3/ngày, cấp cho 698 hộ dân; 1 trạm cấp nước Chúc Bài Sơn tại xã Quảng Sơn 500m3/ngày, cấp cho 819 hộ dân); Huyện Bình Liêu xây mới 3 công trình cấp cho 3.684 hộ dân (Xây dựng 1 trạm cấp nước công suất 1000 m3/ngày cấp cho 3 xã Đồng Văn, Hoàng Mô, Đồng Tâm, cấp cho 2322 hộ dân; 1 trạm cấp nước xã Húc Động, công suất 300 m3/ngày, cấp cho 518 hộ dân; 1 trạm cấp nước xã Vô Ngại, công suất 500m3/ngày, cấp cho 844 hộ dân).
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn miền núi, giải pháp cải tạo hệ thống cấp nước hiện có đồng thời được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện. Giai đoạn 2024-2025 các địa phương trong toàn tỉnh sẽ cải tạo 13 công trình cấp nước tập trung nông thôn đã đầu tư đạt QCVN 01-1:2018/BYT với tổng kinh phí đầu tư khoảng 62 tỷ đồng, cấp nước cho 6.801 hộ dân.
Trong đó, năm 2024 cải tạo 12 công trình cấp nước, cung cấp nước cho 6.286 hộ dân, cụ thể: Thành phố Móng Cái: Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Hải Sơn, cấp 237 hộ; Huyện Vân Đồn: Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Thắng Lợi, cấp 441 hộ; Huyện Hải Hà: Cải tạo 2 trạm cấp nước, cấp cho 1.562 hộ (Cải tạo, nâng công suất trạm cấp nước xã Đường Hoa, nâng công suất trạm 300 m3/ngày lên 1000 m3/ngày, cấp cho 1.446 hộ; Cải tạo, sửa chữa trạm cấp nước xã Cái Chiên, cấp cho 116 hộ); Huyện Đầm Hà: Cải tạo 4 trạm cấp nước, cấp cho 3307 hộ (trong đó gồm: Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Quảng Tân, cấp cho 1112 hộ; Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Dực Yên, cấp cho 575 hộ; Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Đầm Hà, cấp cho 998 hộ; Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Tân Bình, cấp cho 506 hộ); Huyện Cô Tô: Cải tạo 4 trạm cấp nước, cấp cho 739 hộ (gồm: cải tạo 2 trạm cấp nước hồ C4 và hồ Trường Xuân của xã Đồng Tiến, cấp cho 432 hộ; Cải tạo 2 trạm cấp nước hồ Chiến Thắng và hồ ông Cự xã Thanh Lân, cấp cho 307 hộ).
Đến năm 2025 sẽ cải tạo, nâng công suất Nnhà máy nước Tiền Phong, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên với công suất 1.000 m3/ngày, cấp cho 515 hộ dân.
Cùng với việc đầu tư các công trình cấp nước nông thôn, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt. Trong đó, sẽ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tự tổ chức thi công xây dựng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình và lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình đảm bảo chất lượng nước sạch đạt quy chuẩn (Hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình, kinh phí khoảng 10,44 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa (cấp cho 2.555 hộ trong đó 216 hộ nghèo và 2339 hộ cận nghèo); hỗ trợ hộ gia đình nông thôn vay vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình tín dụng về nước sạch và vệ sinh nông thôn để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.
Hoàng My/ Báo Xây dựng