Ngày 17/11/2023, tại cuộc họp Nhóm đối tác y tế về Biến đổi khí hậu và sức khỏe, công bố Việt Nam đã tham gia Liên minh hành động chuyển đổi về biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH) để giúp hệ thống y tế góp phần thực hiện mục tiêu của đất nước đạt mức phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 17 mục tiêu cụ thể, bao gồm SDG 6 "Đảm bảo sự có sẵn và quản lý bền vững của nước và vệ sinh cho tất cả mọi người”.
Để góp phần thực hiện cam kết đó, Bộ Y tế đã ban hành "Kế hoạch Hành động về ứng phó Biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu chung của Kế hoạch là "Tăng cường năng lực của các đơn vị y tế trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu để ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro về môi trường và biến đổi khí hậu đối với hệ thống y tế và sức khỏe con người, nhằm mục tiêu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe công cộng tốt hơn”.
Theo TS. Lỗ Văn Tùng, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, dự án Xây dựng cơ sở y tế thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng xanh và bền vững với môi trường được triển khai từ năm 2021 - 2023 tại 3 bệnh viện, gồm Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai), Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An), Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh (Bến Tre) đại diện cho 3 vùng miền khí hậu Việt Nam, từ đó biên soạn "Hướng dẫn xây dựng Cơ sở y tế có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường bền vững” nhằm áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Mô hình gồm 4 hợp phần: Quản lý nước sạch, vệ sinh và chất thải y tế; Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức; Hiệu quả sử dụng năng lượng và năng lượng xanh; Cải thiện nền tảng hạ tầng, công nghệ và sản phẩm. Thông qua việc xây dựng chương trình, Chính phủ Việt Nam hướng đến đảm bảo khả năng chăm sóc sức khỏe an toàn hơn cho các bệnh nhân, đồng thời góp phần thực hiện các cam kết quốc gia và quốc tế về biến đổi khí hậu của Việt Nam, bao gồm cam kết của Thủ tướng tại COP26 là đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Các bệnh viện và trạm y tế là đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời cũng đang góp phần gây ra các vấn đề về môi trường. Trên toàn cầu, ngành y tế hiện đang gây phát thải khoảng 4,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Theo ông Tôn Tuấn Nghĩa, cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành y tế hoàn toàn có thể tham gia phát thải ròng bằng 0 với các giải pháp như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tòa nhà không phát thải, sử dụng 100% năng lượng tái tạo, khuyến khích sản xuất dược phẩm phát thải các-bon thấp, triển khai thực hiện y tế tuần hoàn và quản lý công trình y tế bền vững, xây dựng hệ thống y tế hiệu quả lớn...
Ban Giám đốc bệnh viện Yên Thành và cán bộ kỹ thuật của WHO khảo sát hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện
ThS. Nguyễn Đình Tuấn Phong (Đại học Điện lực) cho biết, dựa trên hiện trạng của 3 cơ sở y tế, dự án đã đề xuất nhiều giải pháp giúp tiết kiệm điện, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị và góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Từ đơn giản như phân loại và dán hướng dẫn sử dụng điều hòa, kiểm tra thường xuyên các tấm dán cách nhiệt cho cửa sổ, bọc bảo ôn cách nhiệt cho hệ thống hấp dụng cụ y tế tới phức tạp như thay thế đèn cao áp LED mặt trời.
Về thích ứng với các tác động tiêu cực từ BĐKH, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình tại BV Đa khoa huyện Yên Thành, bác sĩ Phan Thị Thúy, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết: Để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên xảy ra, dự án đã hỗ trợ bệnh viện đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng mới với công xuất xử lý 200m3/ngày. Không những vậy, giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh viện, từ 30 triệu đồng chi trả cho tiền nước mỗi tháng xuống còn 8 triệu đồng. Tất cả số tiền tiết kiệm được chuyển về chi hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo và có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn tất cả những người dân đều được hưởng lợi từ dự án của WHO….
Theo Tiến sĩ Angela Pratt, đại diện WHO tại Việt Nam, việc có nguồn cung nước sạch an toàn là một điều kiện tiên quyết để mang đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, và giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại nơi mình đang sống. Đầu tư vào thích ứng biến đổi khí hậu cũng giúp giảm chi phí và đóng góp vào việc xây dựng hệ thống y tế hiệu quả và công bằng hơn.
DUY ANH