Nghề vất vả nhưng nhiều đời gắn bó

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/12/2023 | 4:18:03 PM

QLMT - Đi nhiều đơn vị của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội chúng tôi được biết cuộc sống người công nhân còn nhiều vất vả, thu nhập thấp. Tuy vậy Công ty có hơn mười công nhân thuộc gia đình có nhiều thế hệ cùng gắn bó với nghề.

Đầu buổi sáng cuối năm chúng tôi đi dạo trong Công viên Bách Thảo thấy thật sự thoải mái, không khí thoáng đãng, trong trẻo, chim hót véo von. Là công viên "đóng” cho nên cây và thảm cỏ, vườn hoa được bảo vệ, chăm chút. Cảnh vật ít có sự xáo trộn như công viên "mở” khác. Hằng chục năm vẫn con đường nhỏ, vẫn cây cầu đó bắc ra Đảo Nhện. Công viên Bách Thảo là nơi nhiều người tìm đến để nhớ lại kỷ niệm xưa của mình đang được lưu giữ ở đó. Những người chúng tôi gặp đầu buổi sáng là những người tập thể thao, công nhân dùng máy thổi lá, máy cắt cỏ. 

Thổi lá trong Công viên Bách Thảo thay cho việc dùng chổi tre
Thổi lá trong Công viên Bách Thảo thay cho việc dùng chổi tre 

Chúng tôi hỏi một bác tên là Kỳ đang đi bộ cùng chiều.

- Bác đi bộ ở đây lâu chưa?

- Năm nay tôi 77 tuổi, nhà ở gần công viên do vậy sáng nào cũng đi bộ, tập thể dục ở đây hằng chục năm nay. 

- Bác thấy công tác vệ sinh, chăm sóc cây ở đây so với trước như thế nào?

- Tốt hơn trước đây nhiều anh à. Nhờ có máy móc mà công nhân không phải lao động nặng nề như trước.

- Bác thấy ý thức người dân đến công viên thế nào?

- So với trước người dân bây giờ ngày càng có ý thức giữ gìn cây xanh, vườn hoa, bảo vệ môi trường.  

Hỏi kỹ hơn chúng tôi được biết bác là một thương binh nặng, có nhiều vết mổ dài trên bụng còn lưu lại trên cơ thể. Một điều thú vị, bác nguyên là công nhân sửa chữa điện của Xí nghiệp Quản lý công viên, cây xanh số 3 (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội); có nhiều năm công tác tại Công viên Bách Thảo.  

Đồng chí  Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý công viên, cây xanh số 3 (Xí nghiệp) cho chúng tôi biết thêm: Hằng ngày để quét lá rụng trong công viên, mỗi ngày chúng tôi phải bố trí mười người làm cật lực nay chỉ cần hai người khi thay việc quét lá bằng việc dùng máy thổi lá. Một số nơi dùng máy thổi lá không phù hợp vì vỉa hè, lòng đường bám đầy bụi đất do các xe chở đất công trình xây dựng làm rơi vãi. Mỗi khi dùng máy thổi lá bụi bốc lên mù mịt, ảnh hưởng sức khoẻ người qua lại trên đường. Đường trong công viên sạch, thảm cỏ phủ kín mặt đất do vậy việc dùng máy thổi lá thay cho việc quét lá là phù hợp. Công việc cắt cỏ cũng được dùng máy cắt. Hiện tại Công ty cũng có máy nâng người để cắt sửa cành cây trên cao. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (Công ty) đang triển khai thí điểm phần mềm quản lý cây xanh của thành phố, trong đó đã số hoá hơn 1000 cây trong Công viên Bách Thảo. Mỗi cây đều có mã số mã vạch gắn trên cây. Mọi người có thể truy cập để biết cây tên gì, họ, giống loài nào. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa thiết thực quản lý chăm sóc cây một cách có hiệu quả mà còn thoả mãn nhu cầu của khách du lịch, học sinh phổ thông khi đến tìm hiểu vườn thực vật lâu đời nhất của Hà Nội.  

Cắt cỏ bằng máy
Công nhân cắt cỏ bằng máy 

Không chỉ có nhiệm vụ chăm sóc cây và quản lý Công viên Bách Thảo, Xí nghiệp còn được giao  nhiệm vụ duy trì, chăm sóc nhiều hạng mục cây hoa, thảm cỏ tại Quận Long Biên, thi công trang trí phục vụ nhân dân các ngày Tết, lễ kỷ niệm trong năm trên các tuyến đường trung tâm Quận Ba Đình. Đây là những địa điểm quan trọng cho nên công nhân của Xí nghiệp làm việc rất cẩn trọng, tỉ mỉ, làm đến đâu sạch đến đó, và trong thời gian nhanh với ý thức trách nhiệm cao nhất. Xí nghiệp hiện có 54 cán bộ công nhân viên, trong đó có 15 đảng viên. 57% số cán bộ và công nhân là nữ. Biên chế có thể lên 100 người nhưng mọi người cố gắng làm việc, cải tiến kỹ thuật, sử dụng máy móc hiện đại giảm sức lao động, tăng năng suất và tăng nguồn thu nhập.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc cho biết: Những khó khăn mà Xi nghiệp đang gặp, đó là công tác duy trì, chăm sóc cây cảnh hiệu quả chưa cao, chất lượng thảm cỏ nhiều chỗ thưa mỏng, chủng loại chưa đồng nhất, nguyên nhân do đất chai sạn hoặc cớm nắng, trồng cây thay thế chưa phù hợp, tay nghề của công nhân còn thấp, công tác đào tạo tại chỗ với công nhân mới còn hạn chế. Khách đến công viên mặc dù đa phần là có ý thức nhưng vẫn có người vứt rác không đúng nơi quy định, trải bạt, ni-lông lên thảm cỏ để ngủ, ăn uống. Khối lượng diện tích duy trì lớn, địa bàn trải dài các tuyến đường nhất là địa bàn tại quận Long Biên. Tình hình xây dựng trật tự đô thị còn phức tạp, thường xuyên bị thiệt hại về cây xanh do các tai nạn giao thông gây ra, vẫn còn tình trạng trộm cắp cây cảnh cho nên công tác quản lý địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Cây trong công viên được gắn mã vạch
Cây trong công viên được gắn mã vạch 

Nói về kế hoạch hoạt động trong năm 2024, đồng chí  Nguyễn Xuân Ngọc cho rằng: Trong năm tới Xí nghiệp chú ý  đầu tư máy móc hiện đại nhằm, giảm sức lao động nặng nhọc, tăng năng suất lao động. Phân công giao việc đa dạng kết hợp đào tạo tay nghề cho công nhân, phát triển phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Thực hành tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu. 

Đi nhiều đơn vị của Công ty TNHH  MTV Công viên cây xanh Hà Nội chúng tôi được biết cuộc sống người công nhân còn nhiều vất vả, thu nhập thấp. Tuy vậy  Công ty có hơn mười công nhân thuộc gia đình có nhiều thế hệ cùng gắn bó với nghề, trong đó Xí nghiệp có bốn người. Điển hình như Giám đốc, cử nhân kinh tế Nguyễn Xuân Ngọc có bà, mẹ đều gắn bó với công việc chăm sóc cây và vườn hoa làm đẹp thành phố.  

HÀ VY

Tags Công viên cây xanh Hà Nội Công viên Bách Thảo công nhân quản lý cây xanh

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục