Ngày 2/12, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, nước này cam kết đóng góp 3 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh. Bà Harris đưa ra cam kết trên khi phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai (Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất - UAE).
Bà nhấn mạnh Mỹ sẽ đóng góp khoản tiền trên cho Quỹ Khí hậu Xanh nhằm giúp những quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận nguồn vốn mà họ cần để đầu tư vào năng lượng sạch, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và khả năng chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Trước đó, ngày 5/10 vừa qua, ban điều hành Quỹ Khí hậu Xanh cho biết quỹ này đã nhận được cam kết đóng góp trị giá 9,3 tỷ USD của 25 nước trên thế giới, để giúp hỗ trợ tài chính cho các nước dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Mặc dù vậy, LHQ cho rằng các cam kết cho đến nay chỉ chiếm một phần nhỏ trong khoảng 250 tỷ USD mà các nước đang phát triển cần hàng năm cho đến năm 2030 chỉ để thích ứng với tình trạng ấm lên toàn cầu.
Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc nhận được cam kết trị giá 3 tỷ USD từ Mỹ. Ảnh: Reuters
Quỹ Khí hậu Xanh với số tiền cam kết trị giá hơn 20 tỷ USD là quỹ quốc tế lớn nhất dành cho những dự án về khí hậu ở các quốc gia đang phát triển. Quỹ Khí hậu Xanh được thành lập trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của LHQ. Ngoài việc hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu, quỹ còn tài trợ cho các dự án giúp các nước chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Các dự án này sẽ được triển khai trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2027.
Cam kết của chính quyền Mỹ được đưa ra sau mức gia tăng đều đặn các khoản tài trợ, khoản vay và đóng góp tài chính khác của Mỹ đối với vấn đề biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hủy bỏ nguồn tài trợ dành cho những sáng kiến lớn về sự nóng lên toàn cầu.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các cam kết tài chính về khí hậu của Mỹ đạt 5,8 tỷ USD trong năm 2022, tăng mạnh so với mức 1,3 tỷ USD ở năm trước đó. Năm 2023, nguồn tài trợ của xứ Cờ hoa dành cho vấn đề này dự kiến sẽ đạt 9,5 tỷ USD, hướng đến tham vọng cung cấp 11,4 tỷ USD vào năm 2024.
Mỹ siết quy định về khí methane trong ngành dầu khí
Cũng trong ngày 2/12, trong khuôn khổ Hội nghị COP28, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế lượng khí thải methane của ngành dầu khí. Đây được coi là một bước đi quan trọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới để đáp ứng các cam kết giảm lượng khí nhà kính.
Giảm lượng khí thải methane - vốn rất độc hại nhưng tồn tại trong môi trường trong một thời gian tương đối ngắn - là mục tiêu chính của các quốc gia muốn cắt giảm khí thải nhanh chóng và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu.
Loại khí này được cho là chiếm 30% nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất nóng lên do khí nhà kính. Đây cũng là nguyên nhân khiến con người và môi trường phải trả một cái giá quá đắt.
Các tiêu chuẩn mới sẽ từng bước yêu cầu loại bỏ việc đốt khí tự nhiên thường xuyên tại các giếng dầu và yêu cầu giám sát toàn diện tình trạng rò rỉ khí methane từ các giếng và trạm nén. Đi cùng với đó là các tiêu chuẩn yêu cầu giảm lượng khí thải từ các thiết bị như máy bơm, bộ điều khiển và bể chứa.
EPA ước tính các quy định mới sẽ ngăn chặn được khoảng 58 triệu tấn khí methane thải ra môi trường trong giai đoạn 2024 - 2038, tương đương với 1,5 tỷ tấn carbon dioxide.
Cơ quan này cho biết chỉ riêng vào năm 2030, mức giảm dự kiến tương đương với 130 triệu tấn carbon dioxide - nhiều hơn lượng khí thải hằng năm từ 28 triệu ô tô chạy xăng.
Ngoài khí methane, việc ban hành quy định này sẽ làm giảm lượng khí thải các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) gây ra các vấn đề về hô hấp ở người, cũng như các chất gây ô nhiễm không khí độc hại như benzen có thể gây ung thư.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đi đầu "Cam kết về khí methane toàn cầu" tại COP26 ở Glasgow (Anh). Hiện có 111 quốc gia tham gia đã cam kết tới năm 2030 sẽ giảm được 30% lượng khí thải methane so với mức của năm 2020.
HẢI ĐĂNG