TP. Hồ Chí Minh sẽ vận hành thử nghiệm cống ngăn triều 10.000 tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/11/2023 | 9:45:35 AM

QLMT - Hiện dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng ở TP.HCM đã hoàn thành hơn 93% tổng tiến độ và chuẩn bị vận hành thử nghiệm theo quy trình.

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị UBND hai tỉnh Long An và Đồng Nai có ý kiến về quy trình vận hành dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng).

Dự án do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT).

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, hiện dự án đang trong giai đoạn khẩn trương xây dựng, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Nhà đầu tư đã hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống và quy trình vận hành các cụm công trình của dự án.

Để có cơ sở vận hành công trình theo quy định, UBND thành phố Hồ Chí Minh mong muốn hai tỉnh Đồng Nai, Long An có ý kiến góp ý về quy trình vận hành công trình dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố.

Công trường dự án cống ngăn triều 10.000 tỉ đồng ở TP.HCM
Công trường dự án cống ngăn triều 10.000 tỉ đồng ở TP.HCM. Ảnh: Đ.TRANG

Đồng thời, các địa phương cũng có ý kiến về việc ảnh hưởng khi công trình vận hành mực nước trên sông Soài Rạp, mực nước trên sông Chợ Đệm - Bến Lức thuộc địa giới hành chính giữa thành phố Hồ Chí Minh và địa phương.

Công tác vận hành thử nghiệm là quy trình bình thường của dự án trước khi tiến tới vận hành chính thức. Bởi lẽ vận hành một hệ thống rất phức tạp, đặc biệt là một dự án lớn có tính hệ thống như dự án cống ngăn triều thì cần có một quy trình phối hợp tổng thể để từ đó đánh giá cho toàn hệ thống. Sau đó, từng bước giải quyết các vướng mắc (nếu có), trên cơ sở đó tiến đến vận hành chính thức.

Từ tháng 8/2020, dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng tạm ngưng thi công do gặp vướng về vốn. Tới tháng 3/2023, dự án được tái khởi động. Tại thời điểm đó, chủ đầu tư cho rằng nếu các vướng mắc về vốn được giải quyết thì dự án sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Chủ đầu tư cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể kiểm soát triều cường từ sông lớn, kể cả triều biển dâng cho khu vực nội đô, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của dự án.

Cụ thể, khi đi vào hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hóa bằng hệ thống SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh rạch của hơn 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp sông ngòi, kênh rạch của thành phố.

Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự động cập nhật cho các trung tâm điều hành dự án. Từ đó, các nhân viên vận hành thực hiện đóng mở các van ngăn triều hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng mở khi thông số mực nước ở tình trạng cảnh báo của triều cao.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) là một trong những dự án trọng điểm, có vai trò trọng yếu trong việc kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km, với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, dự án chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát của các dự án thoát nước đô thị thông qua hệ thống các trạm bơm đặt tại các cống kiểm soát triều; hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường; góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án; bảo đảm giao thông thủy theo cấp và quy định của thành phố Hồ Chí Minh.

CHẤN PHONG (T/h)

Tags TP.HCM cống ngăn triều chống ngập thử nghiệm thoát nước đô thị

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục