Hạt Kiểm lâm Gia Thuận (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng tại huyện Gia Bình, thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh. Để bảo đảm an toàn cho diện tích rừng, Hạt thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân về trồng rừng và thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phòng cháy - chữa cháy (PCCC) rừng. Qua đó, diện tích rừng trên địa bàn Hạt quản lý luôn được bảo vệ, phát triển tốt.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Gia Thuận cùng lực lượng cộng tác viên kiểm lâm thường xuyên kiểm tra diện tích rừng trên địa bàn quản lý.
Là một trong những hộ nhận khoán bảo vệ 0,83 ha rừng, ông Nguyễn Kim Minh, thôn Du Tràng, xã Giang Sơn (Gia Bình) thường xuyên kiểm tra, chủ động phát hiện các hành vi xâm hại đất và nguy cơ cháy rừng. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: "Những năm trước đây do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do nhận thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ, PCCC rừng chưa cao nên xảy ra tình trạng rừng bị cháy, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây rừng. Hiện nay, do được tuyên truyền nâng cao ý thức nên hiện tượng xâm hại đất rừng, đốt thảm thực vật gây nguy cơ cháy rừng, chặt phá rừng giảm. Tuy nhiên, tình trạng thanh niên, học sinh vào rừng ngắm cảnh, một số người dân tự ý đốt vàng mã dẫn đến nguy cơ cháy rừng nên chúng tôi vẫn phải thực hiện tuần tra đề phòng cháy rừng”.
Theo ông Trương Thế Huy, Chủ tịch UBND xã Giang Sơn: Thực hiện các chương trình trồng rừng, phủ xanh theo dự án 327, dự án 661 và đề án phát triển rừng bền vững gắn với di tích lịch sử tỉnh Bắc Ninh, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của xã là 8,6 được trồng các loại cây như: Keo, thông và cây bản địa (lim, lát, de, dổi, long não, sấu, trám…), tỷ lệ rừng/diện tích đất lâm nghiệp của xã đạt 100%, độ che phủ rừng/diện tích đất tự nhiên của xã đạt xấp xỉ 2,7%, góp phần quan trọng trong việc phòng hộ, tạo cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ngoài thành lập Ban chỉ đạo PCCC rừng, địa phương xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Gia Thuận (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) chỉ đạo các thôn thành lập các tổ, đội xung kích bảo vệ, PCCC rừng với lực lượng gồm các trưởng thôn, xóm, dân quân và các hộ tiếp giáp rừng; tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; tuyên truyền rộng rãi đến người dân ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng và các biện pháp PCCC rừng nhờ đó đã nâng cao nhận thức của người dân về phát triển, bảo vệ diện tích rừng hiện có.
Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 400 ha rừng tại các địa phương: Gia Bình, thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh, Hạt Kiểm lâm Gia Thuận (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) tập trung chỉ đạo các Trạm kiểm lâm, cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuần tra, giám sát địa bàn được phân công, thực hiện tốt công tác theo dõi, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời những biến động diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Qua đó, góp phần phục vụ hiệu quả, cung cấp cơ sở dữ liệu cho công tác thống kê lâm nghiệp, giúp cho chính quyền địa phương quản lý và chỉ đạo tốt các hoạt động liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Ông Trần Ngọc Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Gia Thuận cho biết: "Hạt phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, xâm hại đất rừng, kinh doanh, mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, Hạt phối hợp với Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý rừng rà soát cắm 536 mốc quản lý, bảo vệ rừng; phát dọn vệ sinh giảm vật liệu cháy đối với hơn 14 ha rừng tại xã Lãng Ngâm, Đông Cứu; tổ chức tập huấn, tuyền truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng… Nhờ vậy, toàn bộ diện tích rừng do Hạt quản lý được bảo vệ an toàn, tình trạng xâm hại đất rừng giảm nhiều”. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp thời gian tới, Hạt tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng, chỉ đạo các trạm kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương cấp xã có rừng ban hành các văn bản trong quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; Rà soát, kiện toàn các Ban chỉ đạo PCCC rừng các cấp, lập kế hoạch phương án PCCC rừng phù hợp từng giai đoạn nhằm ứng phó tốt nhất khi cháy rừng xảy ra; hướng dẫn, chỉ đạo các chủ rừng, chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng chống chặt phá rừng, PCCC rừng, tăng cường kiểm tra địa bàn thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Bắc Ninh