Quảng Trị: Huyện Vĩnh Linh nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/10/2023 | 3:24:20 PM

QLMT - Môi trường là tiêu chí số 7 trong 9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), có vai trò quan trọng với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó, nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Vĩnh Linh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Để đảm bảo hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đạt theo yêu cầu về bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019-2020, huyện đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị tổ chức sửa chữa, nâng cấp giai đoạn 1 đối với bãi rác tập trung của huyện tại Tiểu khu 548, xã Vĩnh Chấp, với kinh phí trên 12,8 tỉ đồng.


Thu gom rác thải trên đồng ruộng xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh

Trước đây, việc xử lý các loại chất thải rắn nguy hại trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng một số người dân khi sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật đã vứt bao bì bừa bãi trên đồng ruộng. Để khắc phục tình trạng này, huyện chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và xây dựng kế hoạch, triển khai xử lý loại rác này.

Hằng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành hợp đồng với Công ty CP xử lý môi trường Nghệ An tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng. Đối với các loại chất thải nguy hại thuộc lĩnh vực y tế, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế xử lý bằng lò đốt nhiệt điện, tiến hành thu gom và xử lý chất thải y tế của 18 trạm y tế trên địa bàn.

Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường; huy động sự vào cuộc của các đoàn thể, tiêu biểu như các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh thực hiện phong trào "5 không, 3 sạch” tới hội viên, đoàn thanh niên chung sức xây dựng NTM thông qua các phong trào "Ngày thứ 7 tình nguyện”, "Ngày Chủ nhật xanh”, hội CCB với các đoạn đường tự quản...

Nhờ đó, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng cao; tỉ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 60%, tỉ lệ rác thải được thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn đạt 93%.

Đặt ra mục tiêu có ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 80% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường, địa phương đã triển khai thí điểm mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tại xã Vĩnh Hòa với kinh phí trên 506 triệu đồng.

Bước đầu hoạt động, mô hình đã cho thấy hiệu quả tích cực và đang được định hướng nhân rộng trên toàn địa bàn. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn Hồ Xá với mức đầu tư 6 tỉ đồng. Hiện công trình đang được triển khai thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Đối với chỉ tiêu 100% điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn có hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định, hiện nay huyện đã được đầu tư xây dựng 18 mô hình điểm trung chuyển rác, xử lý rác thải, đã có 10 điểm hoàn thành đưa sử dụng và 8 điểm đang trong quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, đến thời hiện tại huyện vẫn chưa đạt tiêu chí số 7 về môi trường do còn một số chỉ tiêu chưa đạt theo yêu cầu. Cụ thể như theo quy định phương pháp chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải đạt không quá 50% và áp dụng thêm phương pháp đốt hoặc chế biến phân vi sinh. Nhưng hiện nay, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn vẫn đang thực hiện theo hình thức chôn lấp trực tiếp.

Hay như Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá hiện vẫn chưa có giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Để giải quyết các khó khăn nói trên, huyện đã xây dựng từng giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu. Theo đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác huy động, lồng ghép và bố trí nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 cho bãi rác tại Vĩnh Chấp, đầu tư nhà máy xử lý rác hoặc hợp đồng với đơn vị đủ năng lực thực hiện xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt.

Tiếp tục đề xuất, kiến nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh thực hiện lập hồ sơ môi trường đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường cho Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá và đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn, xây dựng kế hoạch cải tạo môi trường.

Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao ý thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu dân cư, cụm dân cư nông thôn sinh thái sáng- xanh- sạchđẹp. Tiếp tục duy trì các phong trào thi đua "Ngày thứ 7 tình nguyện”, "Chủ nhật xanh” thường xuyên, liên tục và coi đây là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong huyện.

Với việc triển khai tích cực những giải pháp về bảo vệ môi trường, huyện Vĩnh Linh phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 7 về môi trường vào cuối năm nay, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp , nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân và sớm hoàn thành 9/9 tiêu chí để đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2024.

MINH ANH (T/h)

Tags Quảng Trị Huyện Vĩnh Linh tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục