Ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển

  • Cập nhật: Thứ bảy, 28/10/2023 | 9:35:14 AM

Mỗi năm tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường.

Từ ngày 25-27/10, Trung tâm nghiên cứu Luật biển và Hàng hải Quốc tế (SIMLAW) đã phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức tập huấn "Nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong khu vực phi chính thức tại các khu vực đô thị trung tâm trong việc ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển”.

Mỗi năm tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế, có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Trong khi đó, 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ là ngành nghề tiếp xúc với môi trường độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong công việc cũng cuộc sống hàng ngày, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới, với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.


Tại chương trình tập huấn, các đại đại biểu được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội: "Nói một cách khách quan mà nói, chính phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Bởi họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình. Họ được xem là những nhà giáo dục đầu tiên nên nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng, hay người quản lý, họ cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Tại chương trình tập huấn, các đại biểu tham gia đã được giới thiệu và tìm hiểu sâu hơn về: Chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường biển Việt Nam; Chính sách quản lý chất thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm phòng chống, giảm thiểu và xóa bỏ ô nhiễm biển từ rác thải nhựa trên thế giới.


Hình ảnh tại buổi tập huấn

Theo ông Lưu Anh Đức, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường biển Việt Nam được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị quyết số 36/NQ/TW năm 2018 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36/NQ/TW; Quyết định số 1746/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chỉ thị số 33/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa…

Trong đó, Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng đến mục tiêu năm đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.


Hình ảnh tại buổi tập huấn

Chia sẻ sâu hơn về chính sách quản lý chất thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, ông Nguyễn Thi – Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết: Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.

EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

Dù đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, nhưng đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định EPR mới chi tiết hơn và đồng bộ hóa hơn. Các Điều 54, quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và Điều 55, Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

Cũng theo ông Nguyễn Thi, nếu thực hiện tốt, EPR là một giải pháp hiệu quả giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự chương trình còn được chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong khu vực vực phi chính thức và chính sách, pháp luật liên quan đến xử lý rác thải của Việt Nam; Lồng ghép giới trong phòng chống, giảm thiểu và xoá bỏ ô nhiễm biển từ rác thải nhựa; Góc nhìn của doanh nghiệp về thực trạng và những vướng mắc khi thi hành quy định pháp luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất liên quan đến vòng đời của sản phẩm nhựa…

Theo Báo TN&MT

Tags tập huấn rác thải nhựa EPR

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục