Khôi phục cảnh quan đất ngập nước rừng tràm Trà Sư

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/9/2023 | 10:51:36 AM

QLMT - Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp Sở NNPTNT tỉnh An Giang khởi động dự án khôi phục cảnh quan đất ngập nước rừng tràm Trà Sư.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phối hợp với WWF khởi động một dự án nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thông qua các biện pháp phục hồi rừng tràm đặc dụng và phòng hộ tại Khu Bảo vệ Cảnh quan rừng Tràm Trà Sư.

Dự án sẽ tập trung vào nghiên cứu và thực hiện các giải pháp sinh kế dựa vào thiên nhiên (NbS), có khả năng mở rộng và đầu tư quy mô lớn trên toàn vùng thượng lưu ĐBSCL, qua đó góp phần đạt mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái nước ngọt Việt Nam, đồng thời đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương.

Rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là Khu Bảo vệ Cảnh quan từ năm 2005. Với 845 héc-ta diện tích vùng lõi được bảo tồn và hơn 1.100 héc-ta vùng đệm, khu vực này hàng năm trực tiếp nhận nước lũ từ sông Mekong vào mùa mưa, giúp duy trì chế độ ngập - khô theo mùa của một vùng đất ngập nước tự nhiên. Các sinh cảnh chính của rừng tràm Trà Sư là rừng tràm, đầm lầy và đồng cỏ. Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư đa dạng với 140 loài, nổi bật nhất là cây tràm và thảm bèo giăng kín mặt nước.

Hệ động vật ở đây cũng khá phong phú, với ít nhất 70 loài chim được ghi nhận, trong đó có 2 loài được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam là Giang Sen và Điên Điển (Chim cổ rắn), 11 loài động vật có vú bao gồm dơi quý hiếm, và ít nhất 25 loài bò sát và ếch nhái. Ngoài ra, rừng còn là nơi trú ngụ quanh năm của 10 loài cá bản địa và 13 loài cá di cư vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng.

Dự án "Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long- Mekong NbS” được WWF và Sở NN&PTNT An Giang xây dựng và thực hiện với sự tài trợ của Tập đoàn Industria De Diseno Textil, SA (gọi tắt là Inditex), Tây Ban Nha, với mong muốn tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thiên nhiên trước các tác động của biến đổi khí hậu thông qua bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học ở các vùng đất ngập nước và phát triển các mô hình sinh kế dựa vào thiên nhiên ở vùng thượng của ĐBSCL.

Các giải pháp canh tác "thuận thiên”, kết hợp với phát triển nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho người dân và hệ sinh thái nông nghiệp tại An Giang, tạo tiền đề và cơ sở khoa học để nhân rộng trên toàn vùng ĐBSCL.

Với mong muốn đóng góp cho việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong thời gian qua, WWF-Việt Nam đã hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sản xuất "thuận thiên” ở ĐBSCL, như: trồng lúa mùa nổi kết hợp nuôi cá, lúa kết hợp thả vịt, thả cá bản địa mùa lũ, trồng sen kết hợp nuôi cá, tôm càng xanh .v..v.. nhằm tăng thời gian lưu trữ nước lũ trong các cánh đồng ngập lũ giúp gia tăng lượng phù sa bồi đắp trên các cánh đồng làm màu mỡ đất, đồng thời ngăn chặn các mầm bệnh của vụ trước, đồng thời góp phần bổ cập cho các tầng nước ngầm và duy trì dòng chảy ở Đồng bằng vào mùa khô. Với sự hợp tác chặt chẽ của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, các mô hình bảo tồn và canh tác "thuận thiên" sẽ được nghiên cứu và triển khai tại khu vực trong và xung quanh Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư trong ba năm tới.

Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: WWF

Trao đổi thông tin với báo chí, Ông Văn Ngọc Thịnh, Trưởng Đại diện của WWF-Việt Nam chia sẻ: "Sự bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn như: biến đổi khí hậu, phát triển thuỷ điện và các công trình thuỷ lợi lớn ở thượng nguồn, khai thác tài nguyên quá mức, hay canh tác nông nghiệp, thuỷ sản thiếu bền vững. Chính vì thế chúng ta cần phải có những hành động kịp thời, những giải pháp hiệu quả và sự hợp tác chặt chẽ của cả khối công, khối tư, cộng đồng trong nước và quốc tế để giải quyết khẩn cấp những vấn đề này. Nghị quyết 120/NQ-CP chính là cơ hội để chúng ta hiện thực hóa việc triển khai các giải pháp "canh tác dựa vào thiên nhiên” ở đồng bằng sông Cửu Long, và khi đó việc trồng lúa sẽ không chỉ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực, mà còn giúp cân bằng các yếu tố sinh thái, môi trường, cung cấp các sản vật tự nhiên, bảo vệ sức khỏe người dân và tạo thương hiệu sản phẩm bền vững.”

Dự án Mekong NbS được triển khai từ ngày 01/08/2023 đến 31/12/2025 nhằm bảo vệ và phục hồi các sinh cảnh đất ngập nước và các chu trình tự nhiên của đồng bằng như dòng chảy tự do, tích tụ và bồi lắng phù sa ở vùng đệm, thông qua thực hiện các hoạt động triển khai ở trong và xung quanh Rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang. Cụ thể, dự án sẽ hỗ trợ BQL Rừng Trà Sư trồng mới 60 ha rừng và nuôi dưỡng 100 ha rừng suy thoái, khôi phục các sinh cảnh và các loài bản địa thông qua các chiến lược quản lý, điều tiết thuỷ văn phù hợp, hiệu quả cho từng tiểu khu, bảo vệ và giám sát đa dạng sinh học trong vùng lõi. Bên ngoài vùng đệm, các mô hình sinh kế dựa vào lũ sẽ được triển khai để đem lại lợi ích kinh tế, môi trường và sự ủng hộ của người dân địa phương;

Dự án cũng xây dựng và thử nghiệm các giải pháp sinh kế dựa trên thiên nhiên – "thuận thiên” (NbS) có tiềm năng mở rộng, có tính khả thi cho đầu tư quy mô lớn trên toàn vùng thượng của ĐBSCL.

Các bài học kinh nghiệm sẽ được tổng hợp để chia sẻ và mở rộng việc khôi phục các sinh cảnh đất ngập nước và các chu trình tự nhiên. Những mô hình sinh kế dựa vào lũ, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường ở An Giang và các tỉnh đầu nguồn ở ĐBSCL như: Đồng Tháp, Long An… sẽ được hệ thống hóa để nhân rộng ra những khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp và có sự tham gia của người dân, kết nối với thị trường và các chuỗi cung ứng bền vững.

Đây sẽ là tiền đề để thu hút các nguồn lực của toàn xã hội tham gia thúc đẩy phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với từng vùng sinh thái trên toàn vùng thượng của đồng bằng sông Cửu Long.

LAM VY

Tags rừng tràm Trà Sư đất ngập nước WWF An Giang

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục