Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn nêu rõ: Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, chỉ có dưới 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19-23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm.
Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, rác thải nhựa đang làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cũng như khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội.
Do vậy, Ngày Môi trường thế giới 05/6 năm 2023 được Liên hợp quốc lựa chọn với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó nhấn mạnh vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm thông qua triển khai các mô hình tuần hoàn, tái chế để hạn chế tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh ra môi trường.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8% đến 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11% đến 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đã được Chính phủ của nhiều quốc gia hưởng ứng và triển khai.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm rác thải nhựa như: trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Để giảm rác thải nhựa, đồng thời hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựa, Việt Nam cần phải quản lý theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế sản xuất và kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói...
Mặc dù xu hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn xuất hiện chưa lâu, song với lợi thế của nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đây được coi là cơ hội phát triển kinh tế bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về Chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu” sang "xanh”, từ khai thác tận dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thực trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, giải pháp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong tái chế rác thải nhựa; giải pháp xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2023, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp các đơn vị tổ chức ra quân làm sạch bờ biển, trồng cây...
MINH ANH