Những ngày qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Chi cục Kiểm lâm tỉnh dự báo từ nay đến ngày 28/5, nhiều khu vực có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Theo dự báo từ ngày 24 đến 27/5, tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, thành phố Điện Biên Phủ và khu vực các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp độ IV (cấp nguy hiểm). Riêng ngày 28/5, cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp độ V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Còn các khu vực huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa và Mường Ảng trong ngày 28/5 được cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp độ IV (cấp nguy hiểm).
Để hạn chế tình trạng cháy rừng; đồng thời chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã đề nghị các hạt, đội kiểm lâm và các chủ rừng thường xuyên theo dõi cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đồng thời đề nghị các hạt, đội kiểm lâm và các chủ rừng chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức khi sử dụng lửa, nhất là việc đốt thực bì, đốt ong trong rừng hoặc ven rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, tại các điểm có nguy cơ cao các hạt, đội kiểm lâm và các chủ rừng cần huy động nhân dân địa phương phát dọn đường băng cản lửa ở các khu vực rừng dễ cháy, có nguy cơ cháy cao và tăng cường tuần tra, kiểm soát giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
Trước tình trạng nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nguy cơ cháy rừng rất cao, tại Công điện số 441 ngày 22/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCC rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCC rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án PCCC rừng đảm bảo đầy đủ, sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCC rừng.
Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức PCCC rừng kịp thời, hiệu quả.
Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Yên Hoà