Trận động đất kèm theo sóng thần này đã tàn phá nặng nề 3 tỉnh Đông Bắc Nhật Bản là Iwate, Fukushima và Miyagi, khiến hơn 18.500 người thiệt mạng và mất tích, cùng nhiều nhà cửa bị hư hại. Hai ngành kinh tế quan trọng của khu vực này là thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 300 tỷ USD. Bên cạnh đó, theo Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, có tới hơn 3 nghìn người bị chết vì các nguyên nhân có liên quan tới thảm họa trên như bệnh tật hoặc tự tử vì trầm cảm.
Nghiêm trọng hơn là trận động đất, sóng thần này còn gây ra sự cố nóng chảy lõi hạt nhân lò phản ứng số 1, 2 và 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, làm 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ, lượng tia phóng xạ phát ra hơn 50 km, khiến 470.000 người dân trở thành vô gia cư và hàng loạt những hệ lụy khác. Đây được coi là sự cố hạt nhân lớn nhất của thế giới kể từ sau khi một lò phản ứng phát nổ tại nhà máy điện Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Với những mất mát đó, thảm họa năm 2011 đã đi vào ký ức người dân Nhật Bản như một trong những thiên tai ám ảnh nhất trong vòng hơn 140 năm trở lại đây, đẩy đất nước Mặt trời mọc vào cuộc khủng khoảng tội tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
12 năm sau thảm họa kép động đất và sóng thần, với ý chí và nghị lực phi thường, chính phủ và người dân Nhật Bản đã nỗ lực không ngừng để xây dựng lại Fukushima từ những đống hoang tàn đổ nát. Chính phủ Nhật Bản đã chi đến 295 tỷ USD cho các nỗ lực tái thiết, bao gồm xây dựng đường sá, đê chắn sóng, nhà ở, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Sau 12 năm, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa. Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh sơ tán và lệnh cấm đi lại tới nhiều khu vực cấm tiếp cận sau các sự cố hạt nhân Fukushima.
Tại Fukushima, với những cố gắng không mệt mỏi suốt những năm qua, hình ảnh một Fukushima hoang vắng sau thảm họa cách đây 12 năm giờ đã nhường chỗ cho một Fukushima mới đang hồi sinh mạnh mẽ. Các cửa hiệu, nhà hàng và các tòa nhà công cộng phục vụ cho số lượng nhỏ những người quyết định trở lại thành phố.
Dịch vụ đường sắt được khôi phục và các tuyến đường đã được mở lại. Riêng với Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình dỡ bỏ các lò phản ứng bị hư hại. Tuy nhiên, công ty này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc xử lý nước đã được sử dụng để làm mát các lò phản ứng bị hư hại.
Trên thực tế, thảm họa kép tháng 3/2011 đã đem lại rất nhiều bài học có giá trị không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho thế giới về công tác quản lý khủng hoảng. Các bài học này vừa có giá trị đối với việc ứng phó với các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần hay bão lũ, vừa rất hữu ích cho việc xử lý các khủng hoảng khác như dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay hay các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai.
Từ thảm họa động đất, sóng thần năm 2011, người dân Nhật Bản cũng đã rút ra nhiều bài học. Đầu tiên là phải chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu động đất lớn. Thứ hai, công tác tái thiết sau thảm họa không chỉ là khôi phục hiện trạng ban đầu mà phải hướng tới tiêu chí bền vững và đẹp hơn. Thứ ba, là sự đồng lòng của người dân khi tham gia cứu nạn, thường xuyên tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai cho người dân đủ mọi thành phần, đồng thời đẩy mạnh giáo dục trong trường học nhằm giúp các thế hệ sau thấm nhuần kinh nghiệm và bài học phòng chống thiên tai.
Thực tế hiện nay tại Nhật Bản, vào "Ngày sẵn sàng ứng phó với thiên tai của người dân” (12/6) hằng năm, người dân được khuyến khích tham gia các cuộc diễn tập phòng chống động đất với giả định xảy ra một trận động đất mạnh. Cùng với đó, người dân sẽ tự kiểm tra xem liệu các biện pháp phòng chống động đất ở gia đình đã ổn hay chưa. Và không chỉ tìm cách cải thiện năng lực phòng chống thiên tai cho người dân, chính quyền Nhật Bản còn nỗ lực chia sẻ các kinh nghiệm của mình với cộng đồng quốc tế...
Nhắc lại thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản cách đây 12 năm để một lần nữa nhắc nhở loài người rằng thảm họa và thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào và mọi quốc gia đều phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các cuộc khủng hoảng đó. Tinh thần chủ động và sẵn sàng sẽ là chìa khóa để tránh rơi vào hỗn loạn khi thảm họa xảy ra.
Vĩnh Hải (T/h)