Chuyển biến mạnh mẽ về bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/3/2023 | 4:10:07 PM

QLMT - Với sự nỗ lực của ngành tài nguyên và môi trường, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đã “chuyển từ bị động ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi”.

Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, thời gian qua ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đây là những giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao.



Vận hành hệ thống tại trạm xử lý nước thải Cầu Ngà-Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: MINH HÀ)

Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường tiếp tục được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các mô hình, công nghệ hiện đại tiếp tục được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải; các hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo được nâng cao, cung cấp thông tin thời tiết, thủy văn môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an toàn và sức khỏe cộng đồng…

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đã "chuyển từ bị động ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 372 trong tổng số 435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 91% số khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường, với công suất xử lý tối đa đạt khoảng 1,24 triệu m3 nước thải/ngày, đêm; 90,5% số khu công nghiệp có hệ thống quan trắc nước thải tự động; 88,6% số khu công nghiệp đã xác định hoàn thành hoặc đang vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường; 28% số khu công nghiệp có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…

Đối với các cụm công nghiệp, có 162 trong tổng số 735 cụm công nghiệp có hệ thống nước thải, trong đó có 39 cụm công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động, chiếm tỷ lệ 24% (năm 2016 chưa có cụm công nghiệp nào); 292 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, đến nay có 11 nhà máy xử lý rác thải theo mô hình đốt rác phát điện được triển khai tại một số địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh…, với công suất hơn 16 nghìn tấn/ngày, công suất phát điện đạt 270MW. Đáng chú ý, số vụ vi phạm pháp luật về môi trường năm 2022 giảm 65,38%, so với năm 2021; tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm mạnh từ 12,53% (năm 2016) xuống còn 1,55% (năm 2022).

Mặt khác, các ngành tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 về tái chế kim loại, nhựa, giấy, thủy tinh đã đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Hiện nay, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với tình trạng lãng phí tài nguyên, như đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng để hoang hóa; đất của các nông lâm trường, đất của các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tài nguyên khoáng sản còn bị khai thác trái phép, chưa được chế biến sâu để mang lại hiệu quả kinh tế cao; tài nguyên nước còn sử dụng lãng phí, hiệu quả sử dụng tài nguyên nước còn thấp so với các nước trong khu vực, nhất là trong nông nghiệp.

Mặt khác, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu phải thực hiện các cam kết về môi trường ở mức cao. Vì vậy, cần có lộ trình để nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ đối với các cơ sở sản xuất lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; sự gia tăng của chất thải, khí thải, nước thải gây áp lực lớn lên vấn đề môi trường sẽ chưa giảm trong thời gian ngắn…

Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, từng bước giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phục vụ tương lai bền vững đất nước và nâng cao chất lượng sống cho người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng tài nguyên và môi trường, phấn đấu đạt 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai, số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và cơ sở dữ liệu quan trọng, cấp bách tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh…

Ngành tài nguyên và môi trường khuyến khích, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển hạ tầng về môi trường, xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt theo đề án quản lý chất thải rắn; thiết lập hệ thống các trạm quan trắc môi trường không khí, thống kê, kiểm kê khí thải, kiểm soát chặt chẽ các các công trình, nguồn thải, phương tiện giao thông, giảm phát thải khói bụi, khí thải...; kiểm soát chặt chẽ môi trường khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; tổ chức điều tra, kiểm kê đa dạng sinh học, mở rộng áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với các hệ sinh thái tự nhiên như đất ngập nước, biển, núi đá, hang động và công viên địa chất; đồng thời thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phục hồi, sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, nhất là rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và các vùng đất ngập nước quan trọng khác…

Theo Báo Nhân dân


Tags Chuyển biến mạnh mẽ Bảo vệ môi trường Quản lý tài nguyên

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục