Ngày 2/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hối thúc các nước nhất trí về một hiệp ước "mạnh mẽ và tham vọng” nhằm bảo vệ các vùng biển quốc tế trong bối cảnh các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị liên chính phủ lần thứ 6 (IGC6) sắp kết thúc.
Trong thông điệp gửi tới các nhà đàm phán, ông Guterres nói rằng: "Các đại dương của chúng ta đang chịu sức ép trong nhiều thập kỷ qua. Chúng ta không thể phớt lờ tình trạng khẩn cấp của các đại dương.”
Các tác động của biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đang được cảm nhận rõ rệt trên toàn cầu, ảnh hưởng đến môi trường, sinh kế và cuộc sống của con người.
Tác động của biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đang được cảm nhận rõ rệt trên toàn cầu. Ảnh: Internet
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh nếu cuộc họp của Liên hợp quốc thông qua một thỏa thuận "mạnh mẽ và tham vọng,” thế giới có thể đạt được bước tiến quan trọng, đảo ngược xu hướng này và nâng cao "sức khỏe” của các đại dương cho thế hệ tiếp theo.
Sau hơn 15 năm triển khai các cuộc thảo luận chính thức và không chính thức, đây là lần thứ 3 trong chưa đầy 1 năm qua, các nhà đàm phán quy tụ tại New York (Mỹ) với mong muốn đây sẽ là vòng đàm phán cuối cùng, mang lại kết quả cụ thể là một "Hiệp ước biển quốc tế". Hội nghị dự kiến kết thúc ngày 3/3.
Vùng biển quốc tế là tất cả những phần biển không thuộc vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo.
Dù chiếm tới hơn 60% diện tích các đại dương trên thế giới và gần 50% diện tích bề mặt Trái Đất, các vùng biển quốc tế lại nhận được rất ít sự quan tâm so với các vùng biển duyên hải.
Các hệ sinh thái đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác thủy sản bừa bãi dù đây là nơi tạo ra tới 50% lượng oxy cho Trái Đất và góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu nhờ hấp thu phần lớn lượng CO2 thải ra từ hoạt động của con người.
Bản thảo Hiệp ước biển quốc tế hiện còn nhiều điều khoản mở và nhiều lựa chọn về một số vấn đề quan trọng mà các bên chưa thể nhất trí. Hiện các bên vẫn bất đồng về cách thiết lập các khu vực bảo tồn biển.
Các đoàn đàm phán còn tranh cãi về việc phân chia lợi nhuận thu được từ các vật chất mới được phát hiện dưới lòng biển.
Các nước đang phát triển vốn không đủ phương tiện để tiến hành các hoạt động nghiên cứu tốn kém cũng lo ngại bị bỏ lại phía sau trong khi các nước khác hưởng lợi lớn.
Mặc dù vậy, với tiến bộ đáng kể đạt được trong cuộc đàm phán những ngày gần đây, giới quan sát bày tỏ lạc quan các nhà đàm phán rất có thể sẽ nhất trí về hiệp ước này.
Trong năm 2022, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiệt độ các đại dương lên các mức cao kỷ lục trong bối cảnh đây là năm ấm nhất trong lịch sử ghi chép của loài người.
Theo đó, so với năm 2021 - năm nóng nhất từng được ghi nhận trước đó - phần nước bề mặt dày 2.000m trên các đại dương đã tích tụ một lượng nhiệt lớn hơn, đủ để đun sôi khoảng 700 triệu ấm nước có dung tích 1,5 lít.
Mức độ ấm lên ở các đại dương là chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng biến đổi khí hậu vì đây là nơi hấp thụ tới hơn 90% lượng nhiệt toàn cầu. Do các đại dương phản ứng chậm hơn với tình trạng ấm lên toàn cầu nên các nhà khoa học tin rằng xu hướng nhiệt độ hình thành trong lòng đại dương sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Việt Nam chính thức tham gia Liên minh Đại dương Toàn cầu (GOA) và ủng hộ sáng kiến mục tiêu "30% diện tích đại dương được bảo vệ và năm 2030” (Sáng kiến 30x30).
Trở thành thành viên của Liên minh Đại dương Toàn cầu sẽ là một bước tiến mới của Việt Nam trong công tác tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, kết nối với cộng đồng quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, từ đó giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.
Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Sáng kiến 30x30 là một trong những mục tiêu chính của Khung đa dạng sinh học toàn cầu, kêu gọi thế giới bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của trái đất thông qua việc thành lập các khu bảo tồn (PA) và các biện pháp bảo tồn hiệu quả dựa trên khu vực khác (OECM). Mục tiêu này được đánh giá là khá tham vọng, nhưng Sáng kiến 30x30 được kỳ vọng sẽ trở thành định hướng mới, đặc biệt tiếp tục thúc đẩy thế giới bảo tồn môi trường biển với thành tựu lớn hơn.
Hải Đăng (T/h)