Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa qua đã kêu gọi chính phủ các nước bảo vệ các đại dương trên thế giới bằng cách hoàn tất Hiệp ước về các vùng biển khơi trong các cuộc đàm phán tại Liên hợp quốc ở New York vào tháng Ba này.
Theo chuyên gia cấp cao về chính sách và quản lý đại dương toàn cầu thuộc WWF, Jessica Battle, hiệp ước đầu tiên về đa dạng sinh học ở các vùng biển khơi sẽ cung cấp một cơ chế được công nhận trên toàn cầu để chỉ định các khu bảo tồn biển.
Hiệp ước này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% các đại dương trên thế giới.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Tại Đại hội các khu bảo tồn biển quốc tế lần thứ 5 (IMPAC5) diễn ra ở thành phố Vancouver, Canada từ ngày 3-9/2, WWF đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường bảo vệ đại dương toàn cầu từ 8% lên 30% trong vòng 8 năm.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) ở thành phố Montreal (Canada) vào tháng 12/2022, 196 quốc gia đã nhất trí với mục tiêu bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% diện tích biển và vùng ven biển trên thế giới trong Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu (GBF).
Trong một nghị quyết vào tháng 12/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định triệu tập một hội nghị liên chính phủ để soạn thảo một công cụ mang tính ràng buộc pháp lý quốc tế về bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học biển. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc về Hiệp ước các vùng biển khơi đã bị đình trệ vào tháng 8/2022 khi các đại biểu cho biết cần thêm thời gian để đạt được thỏa thuận về văn bản cuối cùng.
Hiệp ước này sẽ được phê chuẩn sau khi được 30 quốc gia ký và sẽ được đưa vào luật pháp quốc gia.
Vùng biển khơi bao phủ gần 50% bề mặt Trái Đất và hơn 60% diện tích đại dương, được tính từ ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của mỗi quốc gia và không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào.
Điều này đồng nghĩa với việc không có cơ quan nào chịu trách nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ quản lý cũng như không có cơ chế quản lý toàn diện nào có thể bảo vệ những sinh vật sống tại vùng biển này.
Việc bảo vệ các vùng biển quốc tế từ lâu vẫn bị bỏ qua do mọi sự chú ý tập trung vào các vùng ven biển. Chỉ 1% vùng biển quốc tế được luật pháp bảo vệ.
WWF cũng cho biết đại dương phải đối mặt với những mối đe dọa tiềm ẩn mới như khai thác khoáng sản dưới đáy biển sâu, một ngành công nghiệp non trẻ có thể gây ra tác hại không thể khắc phục đối với hệ sinh thái mong manh ở biển sâu.
Thế giới cần bảo vệ môi trường rất quan trọng này để đạt được các mục tiêu đa dạng sinh học và cũng để bảo vệ đại dương như một bể chứa carbon.
Theo WWF, nhiều khu vực đại dương đóng vai trò quan trọng đối với các loài cá mập, cá ngừ, cá voi và rùa biển, đồng thời hỗ trợ hàng tỷ USD cho hoạt động kinh tế hàng năm.
Hải Đăng (T/h)