Kinh nghiệm quản lý chất thải rắn của các quốc gia trên thế giới
Trên Thế giới, nhiều quốc gia đã có chính sách thiết thực về quản lý, thu gom và xử lý CTRSH. Họ đưa ra nhiều biện pháp và quy định để khuyến khích người dân chấp hành, tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại; các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc... Để giảm gánh nặng chi phí cho người dân, chính quyền nhiều nơi cũng tiến hành trợ giá cho các công ty thu gom rác.
Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về tái chế rác thải, đã áp dụng chính sách tái chế thống nhất trên toàn quốc. Rác thải hữu cơ tại các gia đình được làm nhiên liệu đốt cho các nhà máy và sưởi ấm; các loại rác không cháy được, được tách ra để tái chế; các loại rác vô cơ dùng để trải đường, làm mái ngói, gạch lót sàn. Có tới 96% rác được tái chế, chỉ 4% được đem chôn lấp. Tính theo đầu người, trung bình mỗi năm một người Thụy Điển chỉ chôn lấp khoảng 7 kg rác, trong khi con số này ở Anh là 260 kg.
Vào năm 1975, chỉ có 38% rác thải ở Thụy Điển được tái chế, thì đến nay, đây là quốc gia đầu tiên chạm mốc tái chế, tái sử dụng 99% rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đặc biệt, dù đã tái chế 99% lượng rác thải, các nhà máy tái chế ở đây vẫn không đủ nguyên liệu và phải nhập khẩu rác từ nước ngoài. Hàng năm, hơn 30 lò đốt trên lãnh thổ nước này tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác thải, trong đó 20% (tương đương khoảng 1 triệu tấn), phải nhập khẩu từ Na Uy, Anh hoặc Italy. Thụy Điển hiện đang nhắm tới một nguồn rác giá rẻ khác - rác trên các đại dương.
Singapore từ năm 2001 đã triển khai chương trình xử lý rác thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, các chợ, các cơ sở kinh doanh. Tỷ lệ tái chế rác hiện ở mức cao là 60%, Singapore chỉ chôn 2% lượng rác thải rắn và đã xây đảo nhân tạo được bồi lấp từ rác. Singapore cũng dùng phương pháp đốt, nhờ đó giảm được lượng rác đổ vào các bãi chôn đồng thời có thể tạo ra điện năng. Hiện nay, 4 nhà máy đốt 38% rác thải đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng của Singapore.
Nhật Bản là nơi lượng rác thải ước tính khoảng hơn 45 triệu tấn/năm, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện tốt nhờ áp dụng thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. 20,8% tổng lượng rác thải hằng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế. Công nghệ đốt thân thiện với môi trường rất hiệu quả, lượng khí thải độc hại như NO hay SO2 ít hơn rất nhiều, có thể đốt cháy nhanh cả những vật liệu cứng, có giá thành rẻ hơn nhiều loại hình khác. Hai sân bay quốc tế là Chubu Centrair và Kansai đều được xây trên những hòn đảo nhân tạo được bồi lấp từ rác.
Áo là một quốc gia nhỏ bé đã làm được những điều to lớn trong việc xử lý chất thải. Nổi bật nhất trong hệ thống xử lý rác thải của Áo là công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET.
Trong khi cả Thế giới đang phải bó tay vì rác thải nhựa – giải pháp tái chế PET hiện giờ là đốt chảy hoặc nghiền nhỏ, vốn có chất lượng sau tái chế rất kém. Một công ty ở Áo đã phát triển một giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzim một loại nấm để tái chế nhựa PET. Dưới tác động của enzim, nhựa PET sẽ bị phân huỷ thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao. Cùng với nhiều công nghệ tiên tiến khác, Áo, Bỉ và Đức hiện đang là 3 Quốc gia tái chế rác hiệu quả nhất trên Thế Giới.
Đối với Bỉ – Quốc gia với hệ thống quản lý rác từ trước khi được thải ra. 75% rác của Bỉ được tái sử dụng, tái chế hoặc ủ phân – con số cao nhất Thế Giới. Tài nguyên của họ dường như được tái sử dụng mãi mãi. Họ có 2 quy trình quản lý rác thải cực kỳ tiên tiến: Ecolizer và Sự kiện xanh. Ecolizer là hệ thống trên web để quản trị việc sản xuất, đảm bảo lượng rác thải thấp và sạch. Hệ thống tính toán quá trình sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng, năng lượng và xử lý chất thải, giúp các nhà sản xuất có thể đánh giá được tác động môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra.
Từ đó đề xuất những cải tiến trong quy trình và trong khâu thiết kế sản phẩm, làm giảm hệ quả xấu tới môi trường.
Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong thiết kế, ta có thể giảm lượng nguyên liệu và rác thải đáng kể. Ví dụ, khi cần xách 1 ly cafe mang đi, sử dụng một bao nilon chữ T sẽ tiết kiệm và bảo vệ môi trường gấp vài lần so với bao nilon thông thường. Và khi lượng ly cafe lên tới vài triệu, lượng nhựa cần để sản xuất và thải ra môi trường sẽ giảm cực kỳ lớn.
Sự kiện xanh cũng là một hệ thống quản lý trên web tương tự như Ecolizer, nhưng đối với những sự kiện. Hệ thống này giúp đánh giá lượng rác thải mà sự kiện có thể gây ra, những cách thức để giảm rác thải trong sự kiện, và thậm chí danh sách những nơi cho thuê dao kéo tái sử dụng.
Ảnh minh họa
Quản lý chất thải rắn tại Việt Nam
Phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự gia tăng dân số đã kéo theo sự phát sinh lượng CTRSH lớn, gây áp lực lớn đến quản lý môi trường ở Việt Nam. Trong khi đó, công tác quản lý CTRSH mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay, đặc biệt là nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển CTRSH còn hạn chế; nhiều nơi, người dân chưa tích cực tham gia vào các hoạt động phân loại tại nguồn.
Phần lớn CTRSH chưa được phân loại tại nguồn; việc phân loại tại nguồn phát sinh chưa mang tính bắt buộc; việc thu phí vệ sinh (giá dịch vụ) CTRSH thu theo hộ gia đình hoặc theo nhân khẩu dẫn đến việc không khuyến khích người dân giảm lượng chất thải phát sinh và phải xử lý. Do đó, yêu cầu đặt ra cần đánh giá và tăng cường nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng và xã hội trong công tác quản lý CTRSH.
Công tác quản lý CTRSH đã được nhiều văn bản đề cập tới. Tiêu biểu là Quyết định số 491/2018/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTRSH đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra các mục tiêu tổng quát "Phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh CTRSH gia tăng; Thúc đẩy phân loại CTRSH tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh CTRSH trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ”.
Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý CTRSH. Tại Điều 54 và điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, quy định rộng hơn trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu đối với việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, thực tế các điều luật này quy định "mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất” (EPR). Quy định trách nhiệm tái chế (Điều 54) đặt ra tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc cho các ngành hàng, tiếp tục áp dụng với các ngành hàng theo Quyết định số 16/2015 và mở rộng đối với các sản phẩm (i) tấm quang năng và (ii) bao bì. Hội đồng EPR quốc gia với đại diện của các nhà sản xuất, nhà tái chế, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức môi trường và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan sẽ quyết định tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc. Đối với trách nhiệm xử lý (Điều 55) áp dụng với các sản phẩm như (i) bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, sơn, keo; (ii) kẹo cao su; (iii) Thuốc lá điếu; (iv) tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng 1 lần; (v) một số sản phẩm có sử dụng thành phần chất dẻo tổng hợp khó thu gom, tái chế và xử lý.
Khái niệm EPR lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, với yêu cầu thu hồi một số sản phẩm sau tiêu dùng. Ý tưởng chính để phát triển EPR ở Việt Nam là tìm kiếm một giải pháp tài chính để giải quyết tình trạng ô nhiễm do tái chế không chính thức trong các làng nghề.
Hiện nay, EPR được thực hiện theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được áp dụng với 05 nhóm ngành hàng gồm (i) Ắc quy và pin; (ii) Thiết bị điện, điện tử; (iii) Dầu nhớt các loại; (iv) Săm, lốp và (v) Phương tiện giao thông.
Trong đó, thời hạn thu hồi và xử lý được áp dụng cho phương tiện giao thông từ ngày ngày 1/1/2018 còn các nhóm còn lại từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn tương đối khiêm tốn. Việc triển khai EPR cần được thực hiện từng bước, có lộ trình cụ thể gắn liền với việc phân loại rác tại nguồn và nâng cao nhận thức cộng đồng về việc phân loại, thải bỏ và thu gom rác một cách quy củ và tự giác. Đây là cơ chế quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Một trong các khó khăn trong công tác quản lý CTRSH hiện nay là nguồn kinh phí đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư cho lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải nguy hại vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ như: Tổ chức các lớp tập huấn về thu gom, xử lý chất thải nguy hại, đầu tư xây dựng, quản lý, bảo quản, sửa chữa công trình; phí thu, gom, vận chuyển, xử lý, trang bị bảo hộ lao động chưa được thể chế hóa bằng ngân sách nhà nước.
An Đông