Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn đối với từng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung như sau:
1- Mô tả và đánh giá hiện trạng công trình cấp nước: Mô tả và đánh giá hiện trạng nguồn nước, phạm vi cấp nước; hạng mục thu, xử lý, trữ, phân phối nước sạch đến khách hàng; các yêu cầu về số lượng, chất lượng nước, chất lượng dịch vụ, tỷ lệ thất thoát nước; sơ đồ quy trình công nghệ cấp nước gồm thu nước, xử lý, trữ, phân phối nước sạch đến khách hàng; thông tin cơ bản về khách hàng, giá nước; đánh giá quá trình vận hành công trình, các sự cố đã xảy ra (nếu có).
2- Đánh giá nội dung nguy hại, rủi ro, sự cố có thể xảy ra đối với công trình cấp nước: Mô tả nội dung nguy hại đối với công trình cấp nước từ nguồn nước, hạng mục thu, xử lý, trữ, phân phối nước sạch, khu vực khách hàng. Phân loại nguy hại theo các yếu tố về sinh học, hóa học, vật lý và nguy hại khác; phân tích, đánh giá mức độ nguy hại đối với công trình cấp nước.
Đánh giá mức độ tác động rủi ro trên cơ sở tần suất xảy ra và mức độ nguy hại. Xác định điểm rủi ro theo mức độ nghiêm trọng và ít nghiêm trọng, đề xuất giới hạn mất an toàn cấp nước của công trình theo mẫu.
Đánh giá sự cố có thể xảy ra theo mức độ nghiêm trọng và ít nghiêm trọng đối với công trình cấp nước từ nguồn nước, hạng mục thu, xử lý, trữ, phân phối nước sạch, khu vực khách hàng. Xây dựng các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục sự cố có thể xảy ra theo mẫu.
3- Xây dựng các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục sự cố bổ sung và lập kế hoạch cải thiện từng bước: Đánh giá hiệu quả các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục sự cố đang áp dụng trên cơ sở mức độ nghiêm trọng và ít nghiêm trọng theo mẫu.
Xây dựng các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục sự cố bổ sung theo mức độ nghiêm trọng và ít nghiêm trọng đối với công trình cấp nước từ nguồn nước, hạng mục thu, xử lý, trữ, phân phối nước sạch, khu vực khách hàng theo mẫu.
Lập kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa khắc phục các rủi ro, sự cố theo mức độ ưu tiên, cải thiện từng bước.
4- Xây dựng kịch bản, quy trình kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố trong trường hợp vận hành mất kiểm soát: Xây dựng kịch bản các sự cố mất kiểm soát, tình huống khẩn cấp từ nguồn nước cấp, thu, trữ, xử lý, phân phối nước và các phương án, quy trình ứng phó kịp thời; đề xuất biện pháp cấp nước thay thế trong trường hợp gián đoạn cấp nước trên 48 giờ; dự kiến nguồn lực, kinh phí và phân công tổ chức thực hiện.
5- Xây dựng chương trình kiểm tra, đánh giá hiệu quả các biện pháp kiểm soát và kế hoạch cấp nước an toàn: Xác định các chỉ số kiểm tra, đánh giá và giới hạn kiểm soát mất an toàn công trình cấp nước; xây dựng chương trình kiểm tra, đánh giá hiệu quả các biện pháp kiểm soát và kế hoạch cấp nước an toàn thường xuyên, định kỳ và đột xuất.
6- Xây dựng, quản lý dữ liệu về kế hoạch cấp nước an toàn: Xây dựng, lưu trữ, quản lý các tài liệu thuộc kế hoạch cấp nước an toàn; quy trình quản lý vận hành; nhật ký vận hành; hồ sơ khách hàng; kết quả kiểm tra và đánh giá, các biện pháp khắc phục sự cố; xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý kịp thời các khiếu nại và phản ánh của khách hàng, cộng đồng.
Thông tư nêu rõ, đơn vị cấp nước có trách nhiệm phê duyệt và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đối với công trình do đơn vị mình quản lý. Kinh phí thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn của đơn vị cấp nước được tính vào giá thành sản xuất nước sạch theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Môi trường và đô thị)
Các bước kiểm soát, ứng phó trong trường hợp công trình cấp nước nông thôn tập trung gặp sự cố
1- Thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và khách hàng về sự cố.
2- Lập biên bản về nội dung sự cố.
3- Kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và giải quyết sự cố thuộc phạm vi trách nhiệm của đơn vị. Trường hợp sự cố nghiêm trọng, đơn vị cấp nước thông tin kịp thời và phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục; đề xuất phương án cấp nước thay thế nếu có khả năng gián đoạn về cấp nước trên 48 giờ.
4- Xử lý sự cố, khôi phục và cung cấp nước ổn định cho khách hàng. Trong quá trình khắc phục sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời, liên tục, đúng đối tượng và thông suốt.
5- Báo cáo và giải trình nội dung liên quan đến sự cố tới chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, khách hàng.
6- Ghi chép vào sổ quản lý vận hành các thông tin, số liệu về sự cố và các biện pháp khắc phục.
7- Đánh giá tổng thể sự cố và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, xử lý các sự cố có thể xảy ra trong tương lai.
Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/2/2023.
Luật Đồng