Quảng Ninh là địa phương có số lượng lớn đơn vị sản xuất công nghiệp, áp lực đối với môi trường tự nhiên là rất lớn, vì vậy việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất công nghiệp là giải pháp quan trọng tỉnh tiếp tục đạt được những bước phát triển bền vững hơn. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đều quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư hệ thống xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Đi vào hoạt động từ năm 2019, đến nay CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) đã thu hút được 80 đơn vị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thuê mặt bằng và đầu tư nhà xưởng, với đa dạng ngành nghề sản xuất. Ngay từ thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động, chủ đầu tư là Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh đã đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp theo công nghệ hiện đại, với công suất thiết kế gần 1.000m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư của công trình bảo vệ môi trường này là 36 tỷ đồng.
Hệ thống xử lý nước thải tại CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả).
Ông Trịnh Bá Hiệp, kỹ sư quản lý môi trường CCN Cẩm Thịnh, cho biết: Theo kế hoạch, trong năm 2023 công ty tiếp tục lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động để kiểm soát đầu ra các nguồn nước thải, khí thải và truyền số liệu về Sở TN&MT để giám sát. Qua đó, góp phần đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất của các đơn vị trong CCN.
Còn tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) hiện có 10 doanh nghiệp đang hoạt động và 25 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Các mặt hàng sản xuất chủ yếu là thiết bị điện, điện tử... nằm trong danh mục các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhằm đảm bảo môi trường theo quy định, chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.100m3/ngày đêm và được Sở TN&MT cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường vào cuối năm 2019.
Ông Đỗ Thanh Hùng, phụ trách kỹ thuật Trạm xử lý nước thải KCN Đông Mai, chia sẻ: Trạm xử lý nước thải KCN Đông Mai được đầu tư đồng bộ bằng công nghệ hiện đại; xử lý hóa học, vật lý, kết hợp vi sinh, vì vậy nguồn nước đầu ra luôn đảm bảo các quy chuẩn theo quy định. KCN Đông Mai tiếp tục đầu tư và đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 3.200m3/ngày đêm. Qua đó hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các quy định về xử lý nước thải đối với quản lý vận hành trong KCN. Các doanh nghiệp thứ cấp đều có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi đưa về trạm xử lý chung của KCN.
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, 5 KCN đã đi vào hoạt động và có nhà đầu tư thứ cấp. 7 CCN còn lại với đa dạng các ngành nghề sản xuất, tiềm ẩn những rủi ro về ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các KCN, CCN, doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã chủ động thực hiện những giải pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, hệ thống phun sương, thiết bị kiểm soát bụi, khí thải để làm giảm đến mức thấp nhất lượng bụi phát tán vào môi trường. Đặc biệt là các doanh nghiệp ngành than đã tích cực đổi mới công nghệ khai thác, trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, xây dựng các công trình đập chắn trôi đất đá, nạo vét hệ thống thoát nước, lắp đặt các công trình giảm thiểu bụi, tiếng ồn quá trình vận chuyển, sàng tuyển.
Triển khai từ năm 2013, đến nay hệ thống quan trắc môi trường tự động trên toàn tỉnh đang có 164 trạm quan trắc hoạt động liên tục 24/24h. Trong đó, 19 trạm được đầu tư từ ngân sách tỉnh, 145 trạm do các doanh nghiệp tự đầu tư lắp đặt. Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Quảng Ninh, cho biết: Thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động đã góp phần kiểm soát chặt chẽ, liên tục chất lượng môi trường nước, không khí, cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Các dữ liệu, thông số về môi trường được truyền tải trực tiếp đến Bộ TN&MT; cập nhật hiển thị công khai tại bảng điện tử ở Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh cũng như tại một số địa phương để nhân dân được biết và cùng giám sát chất lượng môi trường. Để phục vụ quá trình chuyển đổi số, chúng tôi tiếp tục cập nhật dữ liệu về môi trường trên địa bàn tỉnh vào hệ thống quan trắc môi trường phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách về môi trường./.
Bảo My (T/h)