Nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết tập trung vào 5 chính sách.
Chính sách 1, hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Theo đó, hỗ trợ kinh phí cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường là 20 triệu đồng/xã, phường, thị trấn/năm.
Chính sách 2, các đơn vị quản lý mô hình ủ rác hữu cơ tập trung sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí mua chế phẩm để ủ phân từ rác thải hữu cơ và xử lý mùi, tối đa không quá 15 triệu đồng/mô hình/năm.
Chính sách 3, hỗ trợ kinh phí mua thùng chuyên dụng gom rác và chế phẩm sinh học khử mùi tại các trạm trung chuyển/điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt.
Các hợp tác xã môi trường/tổ, đội vệ sinh môi trường được giao quản lý trạm trung chuyển/điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt sẽ được hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua thùng chuyên dụng gom rác, tối đa không quá 20 triệu đồng/trạm trung chuyển rác hoặc điểm tập kết rác; hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học khử mùi 10 triệu đồng/năm/trạm trung chuyển rác/điểm tập kết rác.
Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh triển khai mô hình Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Phủ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà. Ảnh: Tư liệu
Theo chính sách 4 của dự thảo nghị quyết, các hợp tác xã môi trường mua xe cuốn ép rác phục vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua xe, tối đa không quá 700 triệu đồng/xe/hợp tác xã hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải/phạm vi hoạt động thu gom rác trên địa 5 xã, phường, thị trấn/trên địa bàn cụm xã, phường, thị trấn có quy mô dân số từ 24.000 người trở lên.
Đối với hợp tác xã có địa bàn hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn từ 8 xã, phường, thị trấn trở lên/địa bàn cụm xã, phường, thị trấn có quy mô dân số từ 40.000 người trở lên, được hỗ trợ 40% kinh phí mua xe cuốn ép rác thứ 2, tối đa không quá 500 triệu đồng.
Chính sách 5, hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cho chủ đầu tư dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung. Hỗ trợ một lần 50% giá trị quyết toán kinh phí đầu tư xây dựng công trình hạ tầng ngoài hàng rào dự án (đường giao thông, hệ thống thoát nước có đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực dự án) khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức tối đa không quá 15 tỷ đồng/cả hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào/dự án khu xử lý rác thải.
Theo dự thảo nghị quyết, chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2023-2025. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách cấp tỉnh chi cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Việc xây dựng chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường là rất cần thiết, vừa thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa đạt các mục tiêu về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là mục tiêu "tối thiểu 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định” góp phần xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.
Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT, các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện từng chính sách theo Nghị quyết 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 về một số chính sách bảo vệ môi trường giai đoạn 2018-2020 và Nghị quyết 190/2019/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017; những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết đã ban hành; thu thập thông tin, số liệu, báo cáo của các địa phương về việc công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn và kiến nghị của địa phương trong công tác quản lý chất thải rắn.
Thanh Mai