Quảng Ninh đảm bảo duy trì, phát triển ổn định diện tích rừng tự nhiên

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/12/2022 | 4:51:55 PM

QLMT - Thực hiện đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh" của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 11/2022, Quảng Ninh đã trồng được 4.118.470 cây, gồm trồng rừng tập trung, trồng mới, trồng phục hồi rừng ngập mặn ven biển theo dự án FMCR, trồng mới rừng sản xuất...

Từ năm 2004, Quảng Ninh đã đóng cửa rừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và từ giữa năm 2017 đến nay, toàn tỉnh không thực hiện các dự án cải tạo rừng tự nhiên đề trồng rừng, không khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên; ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi, bảo vệ rừng, nhằm đảm bảo duy trì, phát triển ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Đồng thời, tỉnh cũng giám sát chặt chẽ đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chỉ tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên khi thật cần thiết, chủ yếu là các dự án phục vụ an ninh - quốc phòng. Nhờ vậy, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ nguyên trạng với 122.281,1ha, trong đó diện tích rừng tập trung là 70.927,2ha.



Rừng trồng cây gỗ lớn của một hộ dân xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Tư liệu

Tỉnh còn triển khai xây dựng và phê duyệt đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2014. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 3 loại hình thu dịch vụ môi trường rừng là: Nước sạch, thủy điện và du lịch. Từ đầu năm 2022 đến nay, số thu từ các loại hình dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh được hơn 3 tỷ đồng; số chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng và địa phương gần 1,18 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng..

Quảng Ninh cũng tập trung vào công tác trồng rừng. Tỉnh chỉ đạo các địa phương hoàn thành công tác giao rừng, cho thuê rừng đối với các diện tích rừng thu hồi trả về địa phương để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng; đồng thời đẩy mạnh trồng rừng kinh tế để nâng cao năng suất và chất lượng rừng, từng bước chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. HĐND tỉnh đã ban Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó có quy định về hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa. Sau 1,5 năm triển khai, đến nay đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.768,53ha.

Nhờ đẩy mạnh việc vận động, hỗ trợ người dân trong trồng rừng, năm 2022 trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 14.140ha, vượt 10.9% so với kế hoạch được giao; trong đó trồng lim, giổi, lát là 2.242ha (Nghị quyết số08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ và chủ đề công tác năm 2022 đề ra là 2.000ha).

Thực hiện đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh" của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 11/2022, Quảng Ninh đã trồng được 4.118.470 cây, gồm trồng rừng tập trung, trồng mới, trồng phục hồi rừng ngập mặn ven biển theo dự án FMCR, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây phân tán… Diện tích rừng các loại của tỉnh đã tăng khá nhanh, đến nay đạt gần 390.000ha, bao gồm cả diện tích rừng mới trồng chưa thành rừng. Các lực lượng của tỉnh và địa phương đã chủ động các phương án PCCCR; ứng dụng hệ thống thiết bị công nghệ thông tin trong lĩnh vực PCCC và theo dõi, giám sát tài nguyên rừng.

Nhờ các giải pháp trên, từ năm 2020 đến nay, Quảng Ninh luôn duy trì được tỷ lệ che phủ rừng 55%, qua đó góp phần quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước; vừa đảm bảo phát triển kinh tế gia đình của nhiều hộ dân trên địa bàn.

Tuấn Minh (T/h)


Tags Quảng Ninh Đảm bảo duy trì Phát triển ổn định Diện tích rừng tự nhiên

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục